Dự đoán của Sở Giao thông công chính TP HCM, năm học này, số học trò sử dụng xe buýt sẽ tăng 10-20% so với năm ngoái. Lý do, thành phố siết chặt quản lý an toàn giao thông, xử phạt nghiêm học sinh đi xe phân khối lớn nên nhu cầu sử dụng phương tiện đưa đón công cộng gia tăng.
TP HCM tăng mức trợ giá xe buýt cho học sinh, sinh viên năm học 2007-2008. Ảnh: P.A. |
Tại cuộc họp triển khai vận chuyển học sinh, sinh viên trong năm học mới diễn ra chiều 5/9, Phó phòng Kế hoạch Trung tâm quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng Sở Giao thông công chính, Nguyễn Lâm Hải cho biết, ước đoán tổng kinh phí trợ giá xe buýt học trò năm nay cũng sẽ tăng tương ứng số lượng người đi. Năm ngoái, thành phố đã chi 21 tỷ đồng trợ giá xe buýt cho học sinh, sinh viên trên địa bàn.
Dự kiến năm nay, số trường đăng ký xe công cộng vận chuyển học sinh cũng sẽ vượt con số 119 trường của năm học trước. Hiện Sở Giao thông công chính phối hợp với Sở Giáo dục đào tạo để tiếp nhận hồ sơ đăng ký từ các trường có nhu cầu vận chuyển học sinh.
Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng cũng cam kết cung cấp đủ xe 12 chỗ cho nhu cầu các trường đưa đón học sinh, sinh viên, dù cho lượng đăng ký cao đến đâu.
Từ năm học 2001-2002, để giảm ùn tắc giao thông cho thành phố, Trung tâm quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng thực hiện chương trình vận chuyển học sinh, sinh viên bằng 2 hình thức là hợp đồng đưa đón và theo tuyến.
Năm học trước, mỗi ngày có hơn 28.000 sinh viên, học sinh sử dụng xe buýt để đến trường, với khoảng trên dưới 56.000 lượt xe. Dù được thành phố trợ giá, học sinh, sinh viên vẫn phải đóng đi thêm phí đi ôtô từng tháng. Mức phí được tính tùy theo lộ trình, trường, số lượng người đi... nhưng thấp hơn mức thu thực tế bình quân khoảng 40-50%.
Kiên Cường