Góp ý xây dựng dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi tại Quốc hội sáng 23/11, Phó chủ tịch Hội luật gia tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa đồng tình với đề xuất của Chính phủ hạ tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 như hiện nay xuống 75. Nếu đề xuất được thông qua, người trên 75 tuổi không có lương hưu sẽ được nhận tiền hàng tháng cùng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí từ ngân sách nhà nước.
Ban soạn thảo tính toán nếu mức trợ cấp hàng tháng 360.000 đồng như hiện nay (bằng chuẩn trợ giúp xã hội), kinh phí dự kiến chi trả trợ cấp giai đoạn 2025-2030 là 20.500 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng thẻ BHYT miễn phí. Nếu nâng mức trợ cấp lên 500.000 đồng, ngân sách nhà nước chi trả tăng lên 30.000 tỷ đồng. Mức trợ cấp này do Chính phủ quy định tùy từng thời kỳ, nhà nước khuyến khích địa phương cân đối ngân sách và huy động các nguồn lực hỗ trợ thêm.
"Quy định mức hưởng trợ cấp hưu trí bằng số tiền cụ thể là không hợp lý vì luật sửa đổi lần này nếu có hiệu lực trong 10 năm thì mức trợ cấp giữ nguyên trong 10 năm tới", ông Hòa nói, đề nghị quy định bằng mức lương cơ sở (hiện hành 1,8 triệu đồng) hoặc được bù trượt giá hàng năm.
Chung quan điểm, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Phó đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng cho rằng không nên quy định trợ cấp hưu trí xã hội bằng số tiền cụ thể, cần tính tỷ lệ trượt giá và nhiều yếu tố liên quan lương hưu ở các thời điểm.
"Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi với mong muốn áp dụng trong thời gian dài thì cơ quan soạn thảo lẫn thẩm tra cần cân nhắc bổ sung quy định theo hướng để người từ 75 tuổi được thụ hưởng chính sách tốt hơn", bà nói, đồng tình với đại biểu Phạm Văn Hòa là quy định mức trợ cấp hưu trí xã hội bằng với lương cơ sở, có bù trượt giá. Nội dung này giao Chính phủ xác định, tùy vào điều kiện kinh tế xã hội từng thời kỳ.
Đại biểu Trần Khánh Thu (Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Thái Bình) không đồng tình với quy định tại điều 22 dự thảo luật về "mức trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ". Bà Thu cho rằng cần quy định cụ thể mức trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng so với mức lương tối thiểu.
"Dự thảo đề xuất UBND tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là chưa đảm bảo nguyên tắc thống nhất, bình đẳng trong cả nước", bà Thu nói.
Phó chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Trương Xuân Cừ cho biết hiện cả nước có 16,1 triệu người cao tuổi, nhưng chỉ 5,1 triệu người có lương hưu và trợ cấp. Thời điểm Luật Người cao tuổi được ban hành năm 2009 cả nước có 7 triệu người cao tuổi, GDP bình quân đầu người là 1.200 USD. Đến nay, số người cao tuổi đã tăng hơn gấp đôi, GDP cũng tăng cao. "Hạ tuổi hưởng trợ cấp xã hội xuống 75 là đột phá trong chính sách an sinh xã hội", ông Cừ đánh giá.
Giải trình, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết trợ cấp hưu trí xã hội là tầng đầu tiên trong hệ thống BHXH đa tầng theo định hướng Nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Nội dung chi này do ngân sách Nhà nước đảm bảo cho người lao động cao tuổi không có lương hưu, không có BHXH hàng tháng.
Theo ông Dung, trước mắt Chính phủ đề xuất giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống 75, tiếp tục giảm dần, tiến tới tiệm cận tuổi nghỉ hưu. Việc điều chỉnh này tùy thuộc tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước. Điều chỉnh thời điểm nào, mức nào sẽ do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
"Việc hỗ trợ bằng tiền với người thuộc diện hưu trí xã hội, thai sản, phụ nữ, trẻ em sẽ giao Chính phủ quy định chi tiết để linh hoạt hơn. Trước khi quyết định theo thẩm quyền, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội", Bộ trưởng Dung cho hay.