"Dựa trên dữ liệu phân tích sơ bộ từ các vệ tinh thời tiết toàn cầu, đám mây núi lửa Tonga đã đạt đến độ cao 39 km. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại độ chính xác trong những ngày tới, nếu đúng, đây là lần đầu tiên tro bụi núi lửa được phát hiện ở độ cao lớn như vậy trong bầu khí quyển", tác giả chính của nghiên cứu Simon Proud từ Đại học Oxford của Anh nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, các nhà khoa học trấn an rằng vụ phun trào gần như không gây ra bất kỳ gián đoạn nào đối với khí hậu toàn cầu. Lượng tro bụi mà núi lửa Tonga giải phóng là tương đối nhỏ nếu so với các vụ phun trào cấp thảm họa được ghi nhận vào những thế kỷ trước.
Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), Tonga chỉ thổi vào bầu khí quyển 400.000 tấn lưu huỳnh dioxide, bằng 2% so với vụ phun trào núi lửa Pinatubo ở Philippines vào năm 1991 - sự kiện phun trào mạnh thứ hai trong thế kỷ 20, khiến hành tinh hạ nhiệt trong thời gian lên đến hai năm.
"Tại thời điểm này, lượng lưu huỳnh dioxide phóng ra từ núi lửa Tonga là chưa đủ lớn để tạo ra một hiệu ứng giảm nhiệt độ bề mặt toàn cầu đáng kể", chuyên gia về hóa học khí quyển Karen Rosenlof từ NOAA chia sẻ.
Lưu huỳnh dioxide có khả năng gây hại cho sức khỏe con người khi kích ứng đường hô hấp và làm trầm trọng thêm các bệnh như hen suyễn. Khí độc hại này cũng có thể phản ứng với nước trong khí quyển để tạo ra các trận mưa axit phá hủy thảm thực vật.
Hiện tại, đám mây tro bụi đã lan rộng phía trên bầu trời Australia, cách địa điểm phun trào khoảng 4.000 km về phía tây.
Đoàn Dương (Theo Space)