NSND Trịnh Thịnh và cháu ngoại. |
Tôi sinh đúng vào lúc giao thời giữa chế độ phong kiến và thực dân, rồi lớn lên trên đất Hà thành. Ngày nhỏ các cụ cho tôi theo học trường Tây do Pháp mở, với mong muốn sau này tôi kiếm được cái chân thư ký cao giấy để nuôi thân. Ngày đó mỗi lần nghe nói có chiếu phim ở rạp Hàng Da, Hàng Quạt là tôi lại tìm mọi cách đi xem cho bằng được. Tôi say mê với môn nghệ thuật thứ bảy, và không ngần ngừ đăng ký dự thi cuộc tuyển diễn viên lồng tiếng cho Hãng xuất nhập khẩu phim của Nga. Niềm mơ ước bấy lâu của tôi trở thành hiện thực. Tôi trở thành diễn viên lồng tiếng, bị cuốn theo diễn biến tâm lý nhân vật. Tôi ái mộ các diễn viên trong phim, nhưng thực sự không dám mơ đến một ngày mình cũng có thể bước vào những vai diễn như họ.
Năm 1956, khi tôi tròn 30 tuổi, hãng phim truyện Việt Nam sản xuất bộ phim đầu tiên Chung một dòng sông, đạo diễn Phạm Kỳ Nam mời tôi tham gia. Tuy không được đào tạo trường lớp, nhưng với kinh nghiệm quan sát trong khoảng thời gian làm công việc lồng tiếng, tôi đã gắng đi sâu vào nội tâm nhân vật, hiểu và cảm được cái hồn của nhân vật đó. Khi diễn, tôi diễn sao cho giống như mình đang sống cuộc đời của nhân vật, chứ không phải cuộc sống của mình nữa. Tôi đóng khá nhiều phim, nhưng việc lựa chọn đóng phim với tôi lại rất khắt khe. Tôi luôn tâm niệm một điều: đã diễn phải là những vai diễn để đời, phải để khán giả nhớ mãi nhân vật trên phim.
Nhiều người cho rằng tôi là người kỹ tính, nhưng thực tình tôi sống khá đơn giản. Cả đời làm nghệ thuật cho đến bây giờ tôi cũng chỉ góp nhặt chút ít hành trang là một vài kinh nghiệm diễn xuất thôi. Mọi người cũng đừng nghĩ diễn viên chỉ cần chút năng khiếu là đủ, điều quan trọng là phải biết học hỏi, chịu khó quan sát, nghiêm khắc với chính bản thân. Tôi không biết nghiêm khắc với chính mình có phải là điều tốt với tất cả mọi người hay không, nhưng riêng với tôi, điều đó vô cùng quan trọng. Tôi luôn nhận được góp ý chân thành của bà xã. Tuy công việc của bà ấy không liên quan gì đến nghệ thuật, nhưng nhận xét của bà ấy về nghệ thuật nhiều khi chuẩn xác khiến nhiều người phải nể phục. Trong cuộc đời này, nếu phải nói lời cảm ơn đầu tiên thì người tôi phải nói là bà xã tôi, người phụ nữ luôn sát cánh bên chồng trong những ngày tháng gian nan vượt qua khó khăn cuộc sống.
Nhớ lại hồi đóng bộ phim Vợ chồng anh Lực, tôi chỉ đóng vai ông Củng - một ông lão thả gà với tâm trạng của người sinh con một bề. Để hoàn thành vai diễn, tôi phải phải tìm hiểu những người có hoàn cảnh tương tự, cùng tâm sự và chia sẻ với họ để thấy những nỗi niềm chất chứa, những nỗi lo trong họ, vì chính bản thân tôi cũng là người sinh con một bề. Hay khi đóng phim Vợ chồng A Phủ, tôi đã cùng ăn tết với đồng bào dân tộc miền núi Tây Bắc, học ngôn ngữ của họ để có thể giao tiếp, tâm tình, lao động cùng họ như những người anh em. Khi vào vai ông nội thằng Bờm trong Thằng Bờm, tôi phải học cách sống của ông già xưa khó tính ra sao, vì đâu mà ông ta phải sống như vậy? Khi nhận vai người cha khắc nghiệt trong Lá ngọc cành vàng, tôi nhớ lại sự uy nghiêm của những ông quan mà tôi đã thấy từ hồi tóc tôi còn để chỏm. Tôi cố gắng diễn tả sự lạnh lùng uy nghiêm đó trên nét mặt sao cho thật giống. Dường như tướng mạo của tôi thích hợp những vai diễn dân quê, nên một số đạo diễn thường nghĩ ngay đến tôi khi cần đến cụ già nhà quê nào đó trong bộ phim của họ. Tôi mừng vì điều đó, như vậy là mình đã tạo được nét đặc trưng riêng, phong cách riêng, điều mà bất cứ người diễn viên nào cũng mong có được.
Giờ tôi đã già yếu, niềm vui và hạnh phúc duy nhất là được sum vầy cùng con cháu, ngồi kể lại cho chúng nghe những kỷ niệm vui buồn. Tôi chẳng mong có thể cống hiến được cho đời cái gì nữa, chỉ mong sao cho lớp thế hệ trẻ sau này tạo được ấn tượng tốt trong lòng khán giả, để mỗi khi ai đó nhớ đến một bộ phim, họ sẽ không quên người đảm trách nhân vật.
(Theo Mốt)