- Sau bốn năm ra đời, sân khấu của chị hoạt động thế nào?
- Tôi chuẩn bị kỷ niệm ngày thành lập điểm diễn vào tháng 12 này. Trong bối cảnh kịch nói TP HCM gặp nhiều khó khăn, sàn diễn của tôi không phải ngoại lệ. Những tháng gần đây, tôi phải giảm 50% số suất. Ngày trước, chúng tôi có lúc diễn bốn, năm suất một tuần thì nay còn hai, ba, thậm chí chỉ diễn một đêm nếu vào mùa mưa. Tôi thường phải bán vé trước vài tuần để đủ lượng khán giả cho một vở diễn.
Mỗi đêm, dù kín chỗ ngồi, tôi cũng chỉ vừa đủ kinh phí trả cát-xê cho nghệ sĩ và nhân viên hậu đài. Còn lại, tôi phải bù vào tiền thuê mặt bằng tại Trung tâm văn hóa quận 6, chi phí âm thanh, ánh sáng... Tính ra, mỗi tháng tôi lỗ cả trăm triệu đồng. Dù vậy, tôi vẫn duy trì điểm diễn vì không muốn tâm huyết của mình bấy lâu đổ sông đổ bể. Nhiều đồng nghiệp nói tôi "khùng" vì duy trì một điểm diễn lỗ nhiều hơn lời. Thực ra, đó là cái duyên và còn là trách nhiệm. Tôi luôn tự nhủ đã mở sân khấu thì phải cầm cự để các nghệ sĩ còn có "đất" diễn.
- Chị nỗ lực thu hút khán giả ra sao?
- Tôi bán vé khuyến mãi cho học sinh - sinh viên, có khi giảm đến 50%. Tôi còn phối hợp nhiều đại lý để phát hành vé kiểu vừa bán vừa cho, chẳng hạn khán giả mua một món mỹ phẩm được tặng kèm một vé xem kịch. Chúng tôi luôn trong tâm thế phải đi tìm khán giả để được sáng đèn, chứ nếu chỉ ngồi một chỗ bán vé, êkíp đã đóng cửa từ lâu.
Kịch mục liên tục đổi mới. Có lúc, tôi tập trung vào thể loại kinh dị - hài phục vụ công chúng trẻ, lúc thì dựng lại truyện cổ tích, hướng tới các khán giả nhí. Ngoài những yếu tố khách quan như kịch nói dần ít được ưa chuộng do game show nở rộ, chúng tôi gặp khó khăn chủ yếu vì địa điểm. Vị trí của sân khấu nằm ở quận 6, có phần xa trung tâm.
- Các nghệ sĩ sẻ chia khó khăn với chị như thế nào?
- Tôi giữ lại sân khấu cũng một phần vì các nghệ sĩ trẻ. Họ đi diễn bởi đam mê, chứ cát-xê không đủ để họ chi trả tiền son phấn, phí sinh hoạt. Đêm nào khán giả vắng, tôi phải giảm thù lao diễn, song các bạn vẫn hợp tác vui vẻ, cùng tôi san sẻ gánh nặng. Thi thoảng, tôi bù lỗ để chi trả cát-xê cao nhất có thể, sao cho tương xứng với công sức diễn viên. Nhiều người ban ngày quay ba, bốn phim, tối về vẫn tranh thủ đi tập, diễn kịch đều đặn. Có người còn thủ thỉ với tôi: "Thôi, hôm nay khán giả ít quá, em diễn giúp chị chứ không lấy cát-xê đâu".
Trong kịch nói, cải lương, cát-xê chỉ là vấn đề tương đối. Thù lao đi sự kiện của tôi hàng nghìn USD, nhưng khi diễn kịch cho các nơi, lấy cát-xê vài trăm nghìn đến một triệu đồng, tôi vẫn thấy hạnh phúc. Những nghệ sĩ ở lại với tôi đa phần vì đam mê cảm giác được diễn, được thoại giữa hàng trăm khán giả.
- Chồng chị hỗ trợ ra sao khi chị gặp khó khăn trong công việc?
- Ông xã là chỗ dựa lớn trong sự nghiệp của tôi. Vốn là người yêu nghệ thuật, 19 năm kết hôn, anh ủng hộ nghề diễn của vợ hết lòng. Những ngày này, tôi cuống cuồng vừa lo sân khấu, lớp dạy diễn viên, vừa chuẩn bị cho kênh video mới. Biết vợ bận, anh chủ động ở nhà nhiều hơn để trông nom hai con. Vở nào vừa dựng xong, anh đều đến xem đầu tiên để ủng hộ vợ và diễn viên trong đoàn. Anh khuyên tôi cố gắng giữ "lửa" với nghề để nghệ sĩ còn có sân chơi. Anh nói: "Em làm được thì cứ làm, có gì anh sẽ hỗ trợ, miễn là em thấy vui".
Có điều, tôi không ỷ y vào kinh tế của chồng. Từ lúc thành lập sân khấu đến nay, tôi cố gắng độc lập về tài chính. Chẳng lẽ mỗi lần chịu lỗ, tôi lại về nhà xin tiền anh ấy thì kỳ quá. Tôi lấy nguồn thu từ việc kinh doanh hơn 10 năm qua để bù vào sàn diễn. Ngoài ra, tôi cũng có trung tâm dạy diễn xuất, người mẫu, MC cho giới trẻ, lịch học đều kín từ sáng đến tối mỗi tuần. Tháng tới, tôi sẽ khai trương một cơ sở mới ở quận 4. Tôi lấy ngắn nuôi dài để góp một bàn tay cứu kịch nói. Làm nghề đã lâu, tôi biết cách trang trải, hạch toán thu chi. Chỉ khi nào cần số tiền lớn và quá gấp, tôi mới nhờ đến chồng.
- Chị có kế hoạch nào sắp tới?
- Tôi sẽ phát triển kênh Youtube cá nhân. Đây là sân chơi cho các học trò tôi cải thiện kỹ năng diễn xuất thông qua các dự án web-drama... Các vở kịch cũng sẽ được chia thành từng tập nhỏ và phát lại trên kênh. Tôi không kỳ vọng nhiều vào doanh thu từ Youtube, chủ yếu để các diễn viên trẻ có đất dụng võ.
Tôi còn muốn phát triển quỹ từ thiện của mình. Tôi đang triển khai một chuỗi dự án thiện nguyện, xây nhà tình thương cho người nghèo ở miền Tây và nhiều tỉnh thành khác. Trên kênh cá nhân, tôi đăng tải hình ảnh sau những chuyến đi đến các vùng sâu vùng xa, để khán giả hiểu hơn về những mảnh đời bất hạnh. Từ đó, tôi muốn kêu gọi các mạnh thường quân đóng góp cho quỹ tình thương mình thành lập 5 năm qua.
Trịnh Kim Chi sinh năm 1972, đoạt giải Á hậu Việt Nam năm 1994. Chị từng học chung lớp diễn viên với Quyền Linh ở trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM). Chị được biết đến qua các phim truyền hình: Chạm vào quá khứ, Đam mê nghiệt ngã, Khúc tương tư, Chuyện tình bà nội trợ... Năm 2000, chị kết hôn và sang Mỹ sinh con đầu lòng. 12 năm sau, diễn viên sinh con thứ hai. Chị được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2015.
Sân khấu Trịnh Kim Chi thành lập năm 2015. Thời gian đầu, chị cộng tác với các nghệ sĩ như Tú Sương, Lê Bê La, Ngọc Trinh, Thanh Hoàng... Chị đầu tư những vở diễn đa dạng về thể loại như: tâm lý bi kịch, hài - kinh dị, hành động...
Mai Nhật