Tối 7/2, màn tổng duyệt với 2.024 máy bay không người lái (drone) trình diễn xếp hình 9 biểu tượng trên bầu trời Hà Nội đã khiến nhiều người dân thủ đô thích thú và mong chờ buổi biểu diễn chính thức vào đêm giao thừa.
Bắn pháo hoa đêm giao thừa là một trong những cách thức đón Tết Nguyên đán phổ biến nhất ở các nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Malaysia, Indonesia...
Tuy nhiên, nhiều nơi đang xem xét tổ chức mừng năm mới theo những cách thức mới nhằm tránh hóa chất độc hại và ô nhiễm không khí từ pháo hoa. Do vậy, trình diễn ánh sáng bằng drone đang được xem là giải pháp thay thế hiệu quả.
"Các màn trình diễn bằng drone gắn đèn LED trình diễn trên bầu trời đêm có thể mang đến hiệu ứng ánh sáng tương tự nhưng không tạo ra hóa chất tác động đến môi trường như pháo hoa", Tony Martin, người đồng sáng lập công ty trình diễn ánh sáng bằng máy bay không người lái Celestial có trụ sở tại Mỹ và Anh, cho biết.
Các buổi trình diễn ánh sáng bằng drone không phải sáng kiến hoàn toàn mới, khi từng xuất hiện trong Thế vận hội Tokyo 2021, song ngành này đang phát triển theo cấp số nhân. Theo dự đoán từ Business Research Insights, ngành trình diễn ánh sáng bằng drone toàn cầu dự kiến tăng trưởng 25% vào năm 2031.
"Chúng tôi hy vọng trong tương lai, cách thức trình diễn ánh sáng thân thiện với môi trường này sẽ được áp dụng ngày càng nhiều hơn trong các dịp lễ truyền thống như Tết Nguyên đán", Martin nói thêm.
Tháng trước, một màn trình diễn với 1.500 drone đã được tổ chức ở Vịnh Marina, Singapore để chào mừng Tết Nguyên đán, trong đó hình ảnh một con rồng khổng lồ rực rỡ trên bầu trời đêm đã gây ấn tượng mạnh với khán giả.
"Nắm bắt sự đổi mới và phong phú, chúng tôi chuyển từ lễ hội đèn lồng truyền thống sang buổi trình diễn bằng máy bay không người lái mang tính đột phá, không chỉ mang đến sự mới lạ mà còn thể hiện tôn trọng năm con rồng", Patrick Madendjian, thành viên tham gia tổ chức sự kiện, nói.
Công viên Stone Mountain của bang Georgia, Mỹ cũng sẽ tổ chức lễ hội Tết Nguyên đán với màn trình diễn kết hợp giữa drone và pháo hoa trong ba dịp cuối tuần của tháng 2.
Các buổi trình diễn drone là lựa chọn thân thiện với môi trường và tạo cảm giác "mãn nhãn" cho người xem, nhưng cũng rất tốn kém, có thể lên tới hàng triệu USD, và đòi hỏi nhiều công sức để thực hiện. Nhưng khi ngành này phát triển, các chính phủ cũng như công ty đều nhận thấy kết quả cuối cùng xứng đáng với mức giá bỏ ra.
"Kết quả thật đáng kinh ngạc, có thể được mọi người ở mọi lứa tuổi yêu thích", Martin nói.
Thêm vào đó, những chương trình này có thể duy trì truyền thống văn hóa phong phú, phù hợp với nhu cầu hiện đại. "Các buổi trình diễn máy bay không người lái mang đến hình thức sáng tạo, mới mẻ và thân thiện với môi trường để kể cho mọi người câu chuyện về Tết Nguyên đán", Martin nhấn mạnh.
Huyền Lê (Theo Good Good Good)