Tối 22/4, nhà thiết kế Phương Hồ tổ chức show áo dài trên sàn diễn 500 m. Sự kiện thuộc chuỗi chương trình Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Đất Tổ 2023, diễn ra từ ngày 20 đến 29/4 với trên 20 hoạt động.
Tấm áo dài 178 m mất gần hai tháng thực hiện do 20 thợ thêu, may, đính kết, sử dụng 410 m vải taffeta, voan, gấm, lụa. Thiết kế đính các họa tiết 3D bằng vải gấm, voan, mang tranh vẽ tay và thêu tay, đính kết thủ công hàng triệu hạt pha lê nhiều màu sắc. Ngoài ra, áo còn dùng 50 m tơ óng, 380 dây viền kết đá, 100 cuộn len đũa và len xù, 300 viên đá lớn, hàng ngàn cánh sen bằng gấm, hàng trăm lá sen bằng voan.
Phần thân và tà được tạo nên từ 30 mảnh ghép. Mỗi mảnh của phần tà là họa tiết văn hóa, lịch sử, cảnh vật thiên nhiên, danh lam thắng cảnh của Việt Nam. Hoa sen là họa tiết chủ đạo, trải dài suốt tà áo. Bộ sưu tập của Phương Hồ gồm 80 thiết kế, chia thành ba bộ sưu tập: Sen gấm, Sắc cọ và Non sông gấm vóc.
Nhà thiết kế cho biết áo đang trong quá trình đăng ký xác lập Kỷ lục Guinness "Áo dài dài nhất Việt Nam". Trước đó, nhà thiết kế Võ Việt Chung từng lập kỷ lục với áo dài 100 m trong dịp mừng 1.000 năm Thăng Long.
Ngoài Phương Hồ, đêm diễn còn giới thiệu bộ sưu tập Linh thiêng nguồn cội của nhà thiết kế Thoa Trần và Hương Nguyễn. Sự kiện đánh dấu là chương trình thời trang đầu tiên tại lầu Kén Rể trên cầu Văn Lang với sự tham gia của hơn 3.739 người mặc áo dài. Buổi trình diễn còn có các tiết mục ca hát của nghệ sĩ cùng vũ đoàn.
Phương Hồ là một trong số các nhà thiết kế chuyên về áo dài thành danh tại Sài Gòn. Cô từng ra mắt bộ sưu tập ở Tuần lễ thời trang Quốc tế Việt Nam với bộ sưu tập Cá chép hóa rồng. Các thiết kế của cô kết hợp nét truyền thống lẫn cách tân, sử dụng kỹ thuật rập, đính kết bằng tay. Trang phục thường lấy cảm hứng từ cảnh vật, văn hóa Việt, thể hiên qua hình ảnh lá cọ, hoa sen, hoa đào.
Ý Ly