Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. |
Sự nghiệp âm nhạc cho hoà bình của Trịnh Công Sơn khởi đầu từ 1965, và thật sự trở thành hiện tượng cuốn hút ở miền Nam Việt Nam khi tập ca khúc Thần thoại, quê hương và thân phận của ông xuất bản vào 1966. Cùng với tình ca, thiền ca là những ca khúc viết về chiến tranh và hòa bình, là khúc sông có dòng chảy mãnh liệt nhất và cũng tha thiết nhất cho chiến tranh không còn và nền hòa bình thật sự cho Việt Nam.
Như một nhà truyền giáo, tận tụy và khắc khổ, thách thức và tin yêu, Trịnh Công Sơn miệt mài, kiên trì viết và hát, trốn tránh và xuất hiện trong suốt thời kỳ chiến tranh. Từ Sài Gòn ra Huế và ngược lại, đâu đâu lòng ngưỡng mộ của tuổi trẻ miền Nam dành cho những ca khúc tiêu biểu ước mơ của họ mà ông đã viết và cùng họ hát như sóng trào dâng không ngừng:"... Quả tim này dành cho lửa hồng/ Cho hòa bình, cho con người còn chờ đấu tranh..."
Chính nhờ có dòng nhạc hòa bình đầy xúc cảm như thế, tầm vóc của Trịnh Công Sơn vượt qua mọi giới hạn địa lý và văn minh. Từ châu Âu đến bên kia bờ đại dương, Jacques Prel, một người Bỉ, kẻ hát rong tuyệt vời trên các kinh thành của cựu lục địa, đã vận động lòng nhân ái con người thay chỗ chiến tranh, Joan Baez và Bob Dylan đã làm cho người Mỹ xuống đường từ NewYork cho đến California, đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, bằng các ca khúc và tiếng hát phản chiến đầy cuốn hút.
Nhạc phản chiến của họ cũng như các ca khúc hòa bình của Trịnh Công Sơn như thứ ánh sáng của lương tâm, thứ ánh sáng quý giá cuối cùng dẫn dắt con người ra khỏi vùng u minh của tham vọng. Từ đó họ là bạn của nhau mặc dù chưa hề được thấy mặt một lần. Chính Joan Baez, nữ ca sĩ nổi tiếng người Mỹ gốc La tinh nói với Bob Dylan về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, và gọi Trịnh Công Sơn là Bob Dylan của Việt Nam. Và giờ đây, cả 3 tên tuổi này cùng được tôn vinh trong chương trình WPMA, tổ chức tại sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội vào 22/6.
"Nơi đây tôi chờ/ nơi kia anh chờ/ trong căn nhà nhỏ/ mẹ cũng ngồi chờ/ anh lính ngồi chờ trên đồi hoang vu/ người tù ngồi chờ.../ Chờ tin mừng sông/ chờ núi cũng chờ mong/ Chờ trên vầng trán mẹ thắp lên bình minh/ Chờ ngày Việt Nam thống nhất cho những tình thương vô bờ..." (Chờ nhìn quê hương sáng chói).
Những lời bài hát như thế làm sao không mang thế giới đến gần với Việt Nam hơn. Chính John Schafer, người Mỹ từng ở Huế và yêu nhạc Trịnh Công Sơn, hiện là học giả ở Mỹ, viết trong bài tưởng niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "Rất ít cái chết của người danh tiếng làm tôi bàng hoàng như khi nghe tin Trịnh Công Sơn mất. Tôi thấy Trịnh Công Sơn đã ảnh hưởng đến người Việt vào trạc tuổi chúng ta, tương tự như Joan Baez ảnh hưởng đến thế hệ người Mỹ cùng thế hệ với tôi vậy".
Khi Trịnh Công Sơn qua đời, các báo Nhật đều đăng tin và Diễm xưa được phát lại rất nhiều lần theo yêu cầu của khán giả Nhật. Ở xứ sở hoa anh đào, bài hát của ông mới được dịch ra tiếng Nhật, do ca sĩ Nhật hát và phổ biến trên các đài phát thanh.
Dẫu sao, một giải thưởng như tên gọi của nó, dù đến muộn với Trịnh Công Sơn, vẫn là một ý nghĩa lớn, đáng ca tụng vì nó đã chọn đúng những người làm nên một thời đại âm nhạc hòa bình, mang tính lịch sử không chỉ với Việt Nam mà cho toàn thế giới.
Trịnh Cung
(Theo Đẹp)