Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. |
Trịnh Công Sơn 18 tuổi, tuổi sung mãn, yêu đời. Không những vậy, người nhạc sĩ này lúc đầu rất yêu chuộng thể thao, đặc biệt là các môn tạ, chạy đua, judo, và anh từng giật giải về chạy đua. Không may, anh bị tai nạn. Nằm bệnh, học hành trắc trở, Trịnh Công Sơn cùng một số bạn khác như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tường Phong, Nhương Sao, Bửu Ý ấn hành một tạp chí lấy tên là Quan Điểm. Anh em có ước vọng quy tụ nhau thành một nhóm bạn văn nghệ, phần nào đó như những nhóm Tự Lực Văn Đoàn, Xuân Thu Nhã Tập, Đồng Vọng... trước đây, hay nhóm Sáng Tạo ở Sài Gòn. Anh em sinh hoạt với nhau không phải để đàn đúm mà là làm giàu cho nhau bằng cá tính, năng lực và sở trường của từng người.
Thời điểm này cũng là lúc đời sống âm nhạc có nhiều biến đổi. Năm 1957 là năm thành lập ĐH Huế. Trên đường phố lác đác những sinh viên đầu tiên mang cà vạt hoặc đi trên những chiếc xe gắn máy. Nhiều người được đào tạo ở nước ngoài trở về, hăng say với sứ mệnh “du nhập khoa học và tư tưởng hiện đại của thế giới”. Lần đầu tiên một giáo sư quan tâm đến một ca sĩ đã làm nên hiện tượng trong xã hội. Giáo sư Nguyễn Văn Trung viết tiểu luận có tựa đề Ảo ảnh Thanh Thúy đã thực sự gây chú ý. Thanh Thúy là ca sĩ rời Huế vào Sài Gòn lập nghiệp. Giọng ca liêu trai như tâm sự với người nghe trong cái vắng lặng của đêm khuya về những cảnh đời bất hạnh.
Trịnh Công Sơn bắt đầu viết bài hát. Anh có những chuyến đi vào Sài Gòn và làm quen với giới ca nhạc và không khí phòng trà. Khởi đầu là những sáng tác mang tên Sương đêm, Chơi vơi... qua giọng hát nổi tiếng nhất ở Huế lúc bấy giờ là Hà Thanh. Những bản nhạc đó chưa ấn hành, nay đã thất lạc.
Năm 1958, Trịnh Công Sơn vào học ở Trường Jean - Jacques Rousseau. Ca khúc Ướt mi chào đời, được Nhà Xuất bản An Phú ấn hành, do Hà Thanh và Thanh Thúy trình bày. Bài hát này cũng như ca khúc ra đời năm sau là Thương một người viết về bóng đêm ôm ấp giọng hát liêu trai giữa thành phố Sài Gòn. Ban đêm là không gian của kiếp người lầm lũi, là thời gian của đèn màu và chén đắng.
Giã từ nơi huyên náo năm 1959 để về lại với Huế êm đềm, với những đoàn học sinh áo trắng Đồng Khánh lóc cóc guốc mộc, với những hàng cây long não, những chiếc cầu, Trịnh Công Sơn sửa soạn rước vào tâm khảm một hình bóng thiếu nữ suốt đời không phai: đó là hình bóng của Diễm xưa, năm 1960, và ca khúc này cũng trở thành bất tử. Một trong những khía cạnh đặc sắc của nhạc Trịnh Công Sơn là ca từ. Lời ca như thơ, khác thường, độc đáo, sâu đậm... Nhiều chữ, nhiều đoạn, nhiều câu như khoác lên mình những hình ảnh bông hoa, mảnh pha lê... với ánh sáng, tinh thể cùng như đậu xuống sóng nhạc làm bằng khí huyết, xúc cảm của một thanh niên có năng khiếu riêng biệt, có sức cảm thụ nhạy bén trầm sâu, sống giữa một khung cảnh thiên nhiên đầy thơ mộng, hoài cảm và một hoàn cảnh xã hội có nhiều cơ duyên đáp ứng lòng người.
(Theo Người Lao Động)