Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống, vì đất nước này cần một trái tim. Và như thế, tôi đến trong cuộc đời. Và như thế, tôi sống vui từng ngày. Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi. Trịnh Công Sơn đã tâm niệm như vậy trước khi trở về cõi vĩnh hằng.
Hồi ức của ca sĩ Khánh Ly: Tôi bồi hồi nhớ lại những ngày tháng của năm 1967. Một đĩa cơm chia hai, một điếu thuốc cùng hút, một ly càphê cùng uống. Chia nhau nằm trên những tờ báo nhàu nát trải dưới đất. Chúng tôi không hề biết ngoài đời có gì vui. Chúng tôi không cần biết vì niềm vui đã có... Em theo đời cơm áo. Mai ra phố xôn xao. Bao nhiêu ngày yêu dấu tan theo... Tôi có cảm tưởng đó là một lời trách móc anh dành cho tôi. Rất dịu dàng như bản tính anh. Từ bao nhiêu năm nay, câu hát đó theo tôi như một vết thương. Ở đâu và bao giờ cũng vậy, mỗi khi nghe tiếng anh nói cười, tôi đều cảm thấy một nỗi yên tâm vô cùng...
(*) Nhớ một chiều, tôi lên lầu, rón rén bước vào phòng. Anh đang ngủ, giấc ngủ buổi chiều. Khuôn mặt gầy, xương góc cạnh. Cái kính vân vân như đồi mồi để trên bàn nhỏ đầu giường. Anh gầy quá. Có ai trong chúng tôi nghĩ rằng một ngày nào đó lại phải thương nhớ nhau từng phút giây. Tuy vậy, bằng cách nào đó, chúng tôi vẫn ở trong trí tưởng của mọi người, như ngày đầu ngồi với nhau, vào đời nhau bằng những bản tình ca. Hồn xa rồi, người ta còn có thể sống được không. Trái tim ngừng đập rồi, ta có thể nào không chết?...
* Trong một lần hai người gặp nhau ở Canada.
Ca sĩ Cẩm Vân: Lúc anh Sơn còn, câu đầu tiên khi anh em gặp nhau bao giờ cũng hỏi khỏe không, nhưng đó không phải là những lời xã giao. Trong đêm diễn hôm trước, tôi đã báo tin cho khán giả và hát "Một cõi đi về". Nước mắt rơi mà vẫn phải dằn lòng, nghẹn giọng, ngừng rồi lại hát... cho đến hết bài. Tôi cũng vừa ra album nhạc của anh. Tôi đã làm trong suốt ba năm, thu mười mấy bài không vừa ý lại loại đi thu bài khác. Cẩn thận như thế không phải vì "hơn thua" mà tôi muốn không có lỗi nào trong đó, vì mình thích, mình tự làm cho mình. Khánh Ly đã hát quá hay, tôi hát có thể "yếu" hơn một chút, nhưng cố gắng không để mất đi cái hồn Trịnh. Từ bé, tôi đã mơ ước sau này nếu làm một ca sĩ chuyên nghiệp phải có một album hát nhạc của anh.
Ca sĩ Mỹ Linh: Đối với Linh, anh Sơn là người có cái "đạo" của riêng mình. Anh rất hiền, không ghét ai bao giờ. Tối hôm 1/4, Linh hát ở Bà Rịa - Vũng Tàu, chưa ai biết tin buồn. Linh thông báo, mọi người giật mình, hơn 2.000 khán giả tưởng Linh thả cá Tháng Tư. Sau đó, Linh hát Em hãy ngủ đi để tưởng nhớ anh, nhưng không sao hát được... Anh và Linh không gặp nhau nhiều. Linh chỉ tiếc là thời gian hát bài của anh, Linh còn quá nhỏ (18 tuổi), không thể phong phú như bây giờ.
Ca sĩ Trần Thu Hà: Lần đầu tiên được biết ông khi Hà được giải Tiếng hát Vàng Anh, ông lên trao giải, bắt tay Hà nói: "Cháu hát tốt lắm, cố gắng lên!". Đến khi Hà vào Sài Gòn theo chú Trần Tiến đến chơi với ông. Chú Tiến rất thích tranh ông vẽ. Bài Sắc màu ra đời lấy cảm xúc từ tranh của Trịnh Công Sơn. Ông cũng từng vẽ chân dung Hà trong một màu xanh rất lạ pha giữa lá cây và côban. Hà rất ngưỡng mộ và kính trọng con người ông. Nhạc ông hợp với lớp trước, nhưng các ca sĩ bao giờ cũng bắt đầu bằng nhạc Trịnh Công Sơn, coi đó là chuẩn mực của ca khúc Việt Nam. Cũng không ngờ ông ra đi sớm thế... Mới năm ngoái Hà còn hát trong một đêm nhạc Trịnh Công Sơn có bày tranh Trịnh Cung. Chú Sơn lên tặng hoa, say quá bị ngã, chú Tiến phải bế ông về như bế trẻ con vậy.
Ca sĩ Ánh Tuyết: Tôi còn nhớ trong một cuộc giao lưu ở CLB Nghệ sĩ. Tôi hát bài Đường xa vạn dặm - bài hát anh viết về mẹ của mình. Hát xong, anh kéo tôi lại bàn, tưởng bắt uống rượu, nhưng anh nói: "Anh xin lỗi không lên tặng hoa được... vì anh khóc". Nói xong anh chìa cái khăn giấy thấm nước mắt ra. Tôi đã định ra một album hát nhạc anh từ năm 1997, nhưng còn đắn đo chọn bài, người khác hát nhạc Trịnh có thể dễ, còn tôi thì phải cẩn thận... Tôi đang định bàn với anh thì không kịp nữa.
(Theo Tiền Phong, 4/4)