Theo đề án, thành phố Phú Quốc sẽ có tám đơn vị hành chính cấp xã, gồm: hai phường (Dương Đông, An Thới) và sáu xã (Hàm Ninh, Dương Tơ, Gành Dầu, Bãi Thơm, Cửa Dương, Cửa Cạn). Xã Hòn Thơm nhập vào thị trấn An Thới thành phường An Thới.
Phân khu đô thị Dương Đông diện tích hơn 2.518 ha sẽ là trung tâm, cửa ngõ giao lưu quốc tế, thúc đẩy sự phát triển của đảo Phú Quốc. Đến năm 2030, Dương Đông có dân số 240.000 người, trong đó hơn 180.000 dân từ đất liền ra.
Trong khi đó, đô thị An Thới rộng trên 1.000 ha được định hướng thành cảng quốc tế, là đầu mối kỹ thuật, thương mại, du lịch. Nơi đây còn có các khu công nghiệp nhẹ, trung tâm văn hóa, di tích lịch sử gắn với truyền thống địa phương. Dự báo năm 2030, An Thới có hơn 70.000 dân.
Theo tờ trình, việc thành lập thành phố Phú Quốc sẽ phát huy tốt hơn tiềm năng và lợi thế sẵn có của huyện đảo về du lịch - thương mại - công nghệ cao. Đồng thời, thành lập thành phố Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang phù hợp với quy định hiện hành, tương xứng với vị thế chính trị, kinh tế của địa phương.
Trước đó, hơn 96% cử tri ở Phú Quốc được lấy ý kiến đã đồng ý nâng cấp huyện đảo du lịch trên vùng biển Tây Nam lên thành phố.
Tháng 8/2019, trong buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đề xuất lập thành phố Phú Quốc và huyện đảo Thổ Châu. Thủ tướng giao Bộ Nội vụ hướng dẫn tỉnh xây dựng báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị.
Ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết, sau khi thành phố Phú Quốc được thành lập, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng đề án thành lập huyện đảo Thổ Châu. Hiện, xã đảo Thổ Châu có diện tích hơn 1.395 ha, với hơn 600 hộ dân (khoảng 2.000 nhân khẩu).
Đảo Phú Quốc nằm phía Tây Nam, cách thành phố Rạch Giá 120 km về phía Đông, cách thành phố Hà Tiên 45 km về phía Tây. Phú Quốc hiện có 10 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có hai thị trấn Dương Đông và An Thới.
Cửu Long