Một tối tháng 10, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 nhận cuộc gọi từ một thiếu niên ở Hà Nội, nói mình và em gái 8 tuổi thường xuyên bị bố đánh bằng chổi, dây điện; chửi mắng, mạt sát.
Nạn nhân kể, cha mẹ ly hôn 2 năm trước. Hai em ở với bố, còn mẹ sống tại một quận khác. Hay uống rượu say rồi đánh các con, người bố còn cấm cả gặp mẹ, nếu phát hiện sẽ đánh, đuổi ra khỏi nhà. Có lần, thiếu niên này được sang ở với mẹ nhưng mấy ngày sau bố lại đến chửi bới, buộc về.
Nhận thông tin, UBND hai phường nơi bố và mẹ cậu bé sinh sống cùng xác minh, xử lý. Chính quyền đã buộc người bố viết cam kết không tái phạm dùng bạo lực và đồng ý cho các con sống cùng mẹ.
Không phải trường hợp trẻ em nào bị xâm hại cũng được giúp đỡ, ngăn chặn kịp thời. Như việc Võ Quỳnh Trang, 26 tuổi, ở TP HCM bị bắt ngày 28/12 với cáo buộc hành hạ gây ra cái chết của bé gái 8 tuổi.
Theo cơ quan điều tra, Trang thường xuyên dùng roi mây đánh con riêng của chồng sắp cưới và khi roi gẫy đã "lấy thước gỗ để dạy bảo". Chiều 22/12, sau trận đòn của Trang, bé gái hôn mê rồi tử vong.
Ở vụ án khác, Nguyễn Minh Tuấn (32 tuổi, ở Hà Nội) bị phạt tử hình cuối năm 2020 do bạo hành con riêng 3 tuổi của vợ, gây tử vong. Mẹ nạn nhân, Nguyễn Thị Lan Anh, 30 tuổi, phải nhận án chung thân.
Trong hai vụ án, cơ quan tố tụng đều xác định hàng xóm nhiều lần nghe tiếng khóc hoặc biết các cháu bị bố mẹ bạo hành nhưng không trình báo kịp thời tới cơ quan chức năng.
Ngày 30/12, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, một cuộc điện thoại đôi khi cứu được sinh mạng trẻ em nhưng đáng tiếc, "ý thức của cộng đồng về việc này chưa cao. Xâm hại trẻ em được luật hóa là các hành vi bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác. Ngay cả việc giáo dục kiểu "yêu cho roi cho vọt" cũng là vi phạm, cần được trình báo để xử lý.
Các đơn vị tiếp nhận thông tin bảo vệ, tư vấn giúp đỡ trẻ em gồm cơ quan lao động - thương binh và xã hội, công an các cấp, UBND cấp xã hoặc Tổng đài 111.
Theo ông Nam, nhiều người thường có tâm lý e ngại hoặc lo sợ bị trả thù khi trình báo nhưng tất cả cơ quan chức năng đều có trách nhiệm "bảo mật thông tin người tố cáo, tố giác". Mọi người nên chú ý hơn tới các bé sống trong môi trường "có nguy cơ bị xâm hại cao" gồm: bố mẹ ly hôn; bố mẹ sống cùng người tình hoặc đã có bố, mẹ kế; người nuôi dưỡng các em có biểu hiện nghiện ma túy, rượu...
Thống kê của Bộ Lao động Thương binh và xã hội cho thấy mỗi năm, nước ta có hơn 2.000 trẻ em bị xâm hại ở mức độ nghiêm trọng nên cộng đồng. 6 tháng đầu năm, Tổng đài 111 tiếp nhận hơn 170.000 cuộc gọi và qua đó hỗ trợ, can thiệp 706 trường hợp.
Tiến sĩ Đỗ Minh Loan (Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương) cho hay hàng xóm, người thân hoặc giáo viên có thể nhận ra qua dấu hiệu bên ngoài như các em mệt mỏi, cô đơn; mặc quần áo không phù hợp; vệ sinh kém...
Các bé cũng có một số biểu hiện khác gồm trẻ sợ hãi bố mẹ; hay đến trường sớm hoặc khóc khi đến giờ về nhà; họ ít quan tâm các em, không thể hiện sự yêu thương; cô lập, hạn chế không cho trẻ chơi, tiếp xúc với người khác...
Có hai dạng xâm hại trẻ em thường. Thứ nhất, trẻ bị xâm hại thân thể thường có vết bầm tím, vết rách, bị bỏng, sưng đau nhiều vùng... Các tổn thương này khác vết thương do trẻ bị ngã, va đập ở chỗ có thể mang hình dạng của vật gây ra như vết hằn ngón tay, dây lưng; vết bỏng do thuốc lá ấn vào... và thường xuất hiện ở chỗ "hay bị đánh" như 2 bên má, cánh tay, mông.
Dấu hiệu trẻ nghi ngờ bị xâm hại tình dục gồm đi lại, ngồi đứng khó khăn; đau bụng; thường lo lắng, mất ngủ, hổ thẹn thậm chí có biểu hiện muốn tự tử hoặc đã tự tử bất thành...
Song Minh