Trịnh Bách "khuynh gia bại sản" vì trang phục cung đình
- Duyên cớ nào đã đưa anh đến với công việc phục dựng trang phục cung đình?
- Năm 1994, khi về nước, tôi đến thăm chùa Hồng Liên (Hà Tây) và thật xót xa khi nhìn thấy hòm “y môn” (quần áo) có từ trăm năm nay bị hỏng hết. Sau đó, tôi may mắn gặp một số bậc tiền bối chính là những người đã thêu trang phục cung đình xưa. Chúng tôi quyết định hợp tác với nhau.
- Công việc diễn ra như thế nào?
- Chúng tôi tuyển thợ may thêu giỏi ở khắp mọi nơi và thử tay nghề, trong số hàng trăm người mới chọn được 28 thợ còn rất trẻ. Việc truyền nghề kéo dài 4 năm, bắt đầu từ 1995.
- Vừa rồi, thợ thêu nói rằng họ đã làm xong chiếc áo “Đoàn phượng Nhật bình” của công chúa nhưng anh huỷ bỏ bởi có sai sót. Anh có thể nói rõ hơn về sự cố này?
- Khi xem lại chiếc áo, tôi thấy bông hoa lan trên ngực bị lệch vị trí chuẩn 1cm. Đã làm để bảo tàng là phải chính xác tuyệt đối nên tôi không chấp nhận một sai sót nhỏ nào và cũng không muốn làm theo kiểu nhái lại. Để có được những hạt cườm bằng thuỷ tinh nhỏ li ti trên hoa văn của những tấm áo, tôi đã phải “khuynh gia bại sản” vì chúng. Thời xưa, các vua Việt Nam đều mua hạt trang trí này ở một làng nhỏ cách thành phố Bombay hơn 100 km, tôi phải chờ 1 năm mới mua được nửa ký hạt cườm ở chính nơi đó.
- Sau triển lãm 10 chiếc áo lần này, anh có tiếp tục dựng lại các trang phục dân tộc khác?
- Tôi sẽ phục dựng lại đầy đủ 29 kiểu quần áo của hoàng cung, nếu cộng thêm cả mũ mão, đai, hài thì lên tới 78 thứ. Khi thợ đã thuần thục về kỹ thuật thì chỉ cần làm theo chỉ dẫn của sách là đủ.
- Anh cũng được biết đến là một nghệ sĩ guitar nổi tiếng, là học trò của nghệ sĩ bậc thầy Andres Segovia. Anh có thể nói rõ về điều này?
- Năm 1980, tôi được công chúng yêu nhạc Washington bầu chọn là cây guitar số một và được trao cây đàn danh dự. Còn bây giờ, do quá bận với công việc mới ở Việt Nam nên tôi không có thời gian biểu diễn như trước.
- Anh có hối hận vì sự lựa chọn đó?
- Tôi bắt tay vào việc phục dựng các trang phục nhà Nguyễn vì thấy tơ tằm ở nước ta có chất lượng tốt, đẹp về màu sắc và hoa văn nhưng ít được chú ý đến. Tôi đang chờ đón cơ hội xuất khẩu sản phẩm tơ lụa, gấm vóc sang Mỹ theo kỹ thuật truyền thống, bởi như vậy, mới thu hút sự chú ý của người nước ngoài.
(Theo TTVH)