Anh Vân
- Từ lý do nào ông có ý định thành lập nhóm?
- Tháng 9/2006, khi tôi kêu gọi các bạn văn thân thiết ủng hộ ý tưởng thành lập Quỹ phát triển tài năng Văn học; tôi rất mừng vì bạn bè đã nhiệt thành đóng góp cho quỹ này. Tôi nghĩ: "Tấm lòng của mọi người thật tuyệt vời. Phải làm tiếp cái gì đi chứ". Thế rồi chúng tôi cùng nhau quyên góp tiền mua xe lăn tặng nhà thơ Hoàng Cầm. Bạn bè trong giới văn chương cả nước viết thư, điện thoại động viên, khích lệ chúng tôi. Thấy nhóm bạn văn chương sẽ làm được những việc hay hơn nữa, nên giữa tháng 4/2007, nhóm chúng tôi chính thức thành lập và mang tên Văn chương Hồn Việt (VCHV).
Thành viên nòng cốt của nhóm đến nay là 9 người; nhưng mạng lưới cộng tác viên ở khắp nơi đã lên đến hơn 80 người.
Nhà văn Triệu Xuân (phải) đại diện nhóm Văn chương Hồn Việt tặng sách cho thư viện quận Phú Nhuận, TP HCM. Ảnh: NVCHV. |
- Nhóm đã có những hoạt động thiết thực nào thưa ông?
- Mục tiêu của chúng tôi là giúp nhau trong sáng tác, xuất bản và phát hành tác phẩm, sẵn sàng làm việc thiện. Chúng tôi đã giúp nhau xuất bản gần chục tác phẩm. Nhóm còn quyên góp được số lượng lớn sách để gửi tặng các thư viện trong và ngoài TP HCM. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động quyên góp sách gửi đến nhiều nơi như bộ đội biên phòng, học sinh vùng lũ...
Thành viên của nhóm thường xuyên liên lạc với nhau qua email, điện thoại. Hàng tháng gặp mặt sinh hoạt định kỳ một lần. Khi biết tin về một nhà văn nào đó đang lúc cơ hàn, ốm đau, bệnh tật... thì anh em bàn bạc tìm cách giúp đỡ.
Kỳ sinh hoạt tháng 7 vừa qua nhằm đúng dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của nhà văn Hoài Anh. Chúng tôi làm tiệc mừng sinh nhật ông, có đông bạn hữu văn chương, trên một chiếc xà lan nằm trên nhánh sông Đồng Nai thuộc làng Bưởi Tân Triểu. Nhà văn Hoài Anh rất xúc động, nói: "Trước đây, tôi đã vượt qua nhiều gian khổ, viết được vài chục tác phẩm, tưởng rằng mình đã đến lúc gác bút. Từ nay, có nhóm, tôi hy vọng sẽ viết tiếp được vài cuốn sách nữa".
Từ tháng 5, trên những ấn phẩm của thành viên nhóm, dưới tên tác giả có thêm dòng chữ: Nhóm Văn chương Hồn Việt.
- Để đưa nhóm đi vào hoạt động, ông gặp khó khăn và thuận lợi gì?
- Chúng tôi chưa hề gặp khó khăn gì. Ngay cả chuyện tế nhị nhất là tiền nong thì anh em cũng xoay xở được. Tất nhiên, thành viên gia nhập phải đóng một lệ phí tối thiểu để duy trì hoạt động, nhưng điều này cũng không bắt buộc mà tùy theo khả năng từng người.
Thuận lợi lớn nhất với tôi, người sáng lập nhóm, là có may mắn được anh em tin cậy, quý mến, nên khi có việc gì, chỉ cần trình bày ý định, kế hoạch là mọi người nhiệt thành góp sức thực hiện.
- Sinh hoạt nhóm hội của các nhà văn, những người cầm bút trong những năm gần đây khá chìm lắng, ông nghĩ sao?
- Tôi có "chân" trong ban chấp hành Chi hội Nhà văn Việt Nam tại TP HCM và cũng là Ủy viên BCH hai khóa 4 và 5; Phó chủ tịch Hội đồng Văn xuôi - Hội Nhà văn TP HCM. Tôi thấy Hội của anh em mình quy mô lớn, danh cũng lớn, nhưng vẫn chưa đủ sức thu hút cùng sự ấm áp để anh em đến đó như đến một mái nhà cùng nhau sáng tạo. Sinh hoạt của hội mới dừng lại ở quan hệ hành chính. Tôi thấy nó còn thiếu một cái gì đó như sự hỗ trợ và chia sẻ. Giá như hội tạo được hấp lực, quy tụ được các nhà văn sinh hoạt với nhau hàng tháng thì tốt hơn.
Là nhà văn, lại đang làm ở Nhà xuất bản, tôi thật sự muốn có nhiều nhóm bạn văn chương ra đời, tạo không khí, môi trường kích hoạt sáng tác. Từ đó, sẽ có sự phát triển đa dạng và chất lượng trong đời sống văn học.
- Với ông, việc xuất hiện nhóm văn chương có ý nghĩa như thế nào?
- Lao động của nhà văn Việt Nam hiện nay vốn được bù đắp hết sức khiêm tốn về vật chất. Nhưng cái nhà văn thiếu nhất chính là tinh thần
Người ta thường nói: với nhà văn, càng cô đơn càng kích thích sự sáng tạo. Nhưng đó chỉ là một mặt của vấn đề. Mặt khác, nhà văn không thể cô đơn, vì anh ta phải sống giữa mọi người, giữa xã hội, có nhu cầu chia sẻ, tri kỷ với bạn bè đồng nghiệp. Tôi cho là, một nhóm bạn văn chương thành công phải đáp ứng được nhu cầu này của người cầm bút.
- Các thành viên của VCHV mong chờ gì vào sự phát triểu lâu dài của nhóm?
- Chúng tôi tin rằng nhóm hoạt động lâu bền. Nhóm tồn tại trên nền tảng tình tri âm tri kỷ và không tư lợi, và luôn có sự kế thừa giữa lớp cao niên và lớp trẻ. Khi người ta chỉ "liên kết" với nhau bằng kinh tế thì khó tránh khỏi có lúc xảy ra chuyện rắc rối... Nhưng khi đến với nhau bằng tất cả tấm lòng thì sẽ dễ dàng hơn. Chúng tôi xác định đây là "nhóm phi lợi nhuận" mà. Mục tiêu cao nhất của anh em chúng tôi là làm tốt hai việc: Có được những bản thảo hay; và làm được nhiều việc thiện, trong giới văn chương lẫn ngoài xã hội.
Mục đích cao, xa hơn của nhóm VCHV là làm được như nhóm Tân Dân ở Hà Nội của ông Vũ Đình Long vào những năm 1940 thế kỷ trước. Ngày ấy, tập trung quanh nhà Tân Dân là những nhà văn nổi tiếng như Vũ Bằng, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Ngô Tất Tố ...
Nhưng làm được như vậy hay không thì một mình tôi không thể trả lời trước mà còn do sự nỗ lực của toàn nhóm, và có gặp may hay không nữa.
Anh Vân thực hiện