Tam nhân hành là tên phim nhiều gợi mở. Ba chữ này gợi nhớ vế đầu trong câu nổi tiếng của Khổng Tử: "Tam nhân hành tất hữu ngã sư" (sách Luận ngữ). Câu nói nghĩa là trong lời ăn tiếng nói, hành động của người khác, tất có điểm đáng để ta học hỏi.
Đạo diễn Đỗ Kỳ Phong mượn ý câu nói cổ để nêu bật về con người thời hiện đại. Trục phim Tam nhân hành xoay quanh ba nhân vật. Bác sĩ Đồng Thanh (Triệu Vy) là người tự tin, cố chấp và luôn gò ép mình trong khuôn mẫu. Cảnh sát Trần Vỹ Lạc (Cổ Thiên Lạc) là người cũng bị dồn nén vì công việc của bản thân và trách nhiệm với xã hội. Nhân vật còn lại là Trương Hán (Chung Hán Lương) - tên tội phạm có trí thông minh hơn người.
Bối cảnh phim là trong một bệnh viện. Trương Hán trúng đạn ở đầu và được đưa vào viện, Đồng Thanh có nhiệm vụ chữa trị cho y. Trần Vỹ Lạc làm nhiệm vụ giám sát tội phạm, lần manh mối của Trương Hán. Cảnh sát và bác sĩ đều mang cái tôi quá lớn. Nếu bác sĩ họ Đồng tự tin vào năng lực của mình, phớt lờ lời khuyên của đồng nghiệp và không chịu đáp lại khi người khác chìa tay nâng mình ngã thì cảnh sát Trần cho rằng chiếc còng và khẩu súng có thể giúp anh xử lý tên tội phạm.
Bác sĩ và cảnh sát đều mang tâm trạng đè nén, trực chờ bộc phát. Đến lúc đó, sự việc bị đẩy đến mức không kịp trở tay, khiến bi kịch ập đến. Đoạn cảnh sát - tội phạm nã súng trong bệnh viện là cảnh phim cao trào, nêu bật nội dung Tam nhân hành. Đó là khi con người ta ở chung một bối cảnh, nếu cái tôi quá lớn, thừa tự tin và chỉ biết đến công việc của riêng mình thì có thể xảy ra xung đột lớn.
Bài hát chủ đề phim vang lên ở đoạn này, càng nhấn mạnh thông điệp của đạo diễn với con người thành thị. Ca khúc được lấy ý từ câu nói của Khổng Tử: "Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã". Câu này nhắc nhở người khác hãy dùng thái độ thành thật trước điều mình không biết, không nên kiêu ngạo về những điều mình biết.
Để thể hiện thông điệp phim, đạo diễn Đỗ Kỳ Phong sử dụng các thủ pháp đặc biệt. Gây chú ý nhất là tất cả góc quay chỉ vẻn vẹn trong khuôn viên bệnh viện. Ý đồ của đạo diễn là xây dựng một không gian kín với đông đủ hạng người. Bệnh nhân nằm ở các giường xung quanh trung tâm là bàn làm việc của các bác sĩ, y tá. Khung cảnh này tượng trưng cho một hòn đảo, hay nói cách khác, đây là một Hong Kong thu nhỏ.
Trong khoảng không chật hẹp đó, các tình tiết đan xen nhanh, thoại nhiều, động tác nhiều. Thi thoảng, nhịp phim được đẩy lên cao bởi sự mất kiểm soát của các nhân vật. Chính điều này khiến người xem đôi khi cảm thấy khó hiểu bởi các manh mối sắp xếp chưa thật thấu đáo. Một số chi tiết thiếu logic, ví dụ ở cảnh đám cảnh sát không thể phát hiện chiếc chìa khóa rơi dưới sàn suốt thời gian dài, sau đó được Trương Hán dùng chân cắp lấy và giấu dưới chân.
Điểm đặc biệt khác trong quá trình làm phim là kịch bản không được dựng sẵn. Ban đầu, đạo diễn và biên kịch chỉ lên đề cương, bối cảnh, nội dung sơ lược. Trước mỗi buổi quay, các biên kịch mới lên kịch bản cụ thể cho một ngày làm việc. Đạo diễn sẽ căn cứ vào thể hiện trên trường quay của diễn viên để chỉnh sửa. Với kinh nghiệm của nhà làm phim bậc thầy Hong Kong, Đỗ Kỳ Phong kiểm soát được tính thống nhất của kịch bản, đồng thời xử lý được các vấn đề phát sinh trên trường quay.
Tam nhân hành không phải tác phẩm xuất sắc của Đỗ Kỳ Phong song là một bộ phim thể hiện sự sáng tạo, không ngại thể nghiệm cái mới của đạo diễn. Phim chưa làm thỏa mãn khán giả ở sự logic, kịch tính cũng như các cảnh quay hành động nhưng thay vào đó, tác phẩm mang đến bức tranh về những con người bận bịu nơi đô thị. Đây là bộ phim phù hợp cho những ai muốn sống chậm lại một chút để nhìn nhận bản thân đang ở trạng thái thế nào giữa cuộc sống. Tác phẩm ra mắt ở Việt Nam từ ngày 15/7.
>> Xem thêm:
Cổ Thiên Lạc bị thủy tinh đâm vào mắt khi đóng phim cùng Triệu Vy
Triệu Vy đối diện làn sóng tẩy chay ở Trung Quốc
Nghinh Xuân