Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm 24/9 nói rằng quan chức 47 tuổi thuộc Bộ Đại dương và Nghề cá mất tích khỏi con tàu 499 tấn trưa 21/9 khi đang làm nhiệm vụ kiểm tra ngoài khơi đảo Yeonpyeong. Binh sĩ Triều Tiên phát hiện người này trong vùng biển của họ hôm 22/9 và bắn chết, sau đó hỏa thiêu thi thể.
Tổng thống Moon Jae-in nói việc Triều Tiên bắn chết quan chức Hàn Quốc là sự việc "gây sốc" và "không thể tha thứ vì bất kỳ lý do nào". Hàn Quốc cũng yêu cầu Triều Tiên phải giải thích, xin lỗi vì bắn chết quan chức nước này, đồng thời trừng phạt những người chịu trách nhiệm.
Các phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên gồm Rodong Sinmun và hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm nay vẫn im lặng trước sự việc.
Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, đăng các thông tin về nỗ lực trên cả nước nhằm ngăn chặn dịch Covid-19, nhưng không đề cập đến vụ quan chức Hàn Quốc thiệt mạng. "Ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm là tiền tuyến để bảo vệ người dân và tổ quốc của chúng ta. Mọi người nên làm hết sức mình và củng cố để bức tường chống virus của chúng ta vững như sắt", tờ báo viết.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc cũng cho hay chưa có thông tin nào từ Triều Tiên về sự việc. Khi được hỏi về việc liệu chính phủ có tiếp tục thúc đẩy hợp tác hai miền hay không, phó phát ngôn viên Bộ Thống nhất hàn Quốc, Cho Hey-sil cho hay họ sẽ theo dõi chặt chẽ các phản ứng của Triều Tiên, đồng thời xem xét các vấn đề liên quan một cách "toàn diện" và "cẩn thận" trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào.
Đây là lần đầu tiên một công dân Hàn Quốc bị bắn chết ở Triều Tiên kể từ tháng 7/2008, sau khi nữ du khách Hàn Quốc Park Wang-ja bị một binh sĩ Triều Tiên bắn chết khi đi lạc vào khu vực cấm ở khu nghỉ mát trên núi Kumgang, phía đông Triều Tiên.
Triều Tiên đã phản ứng khá nhanh sau cái chết của công dân Hàn Quốc khi đó. Một ngày sau sự việc, Bình Nhưỡng ra tuyên bố bày tỏ sự tiếc thương với công dân này, song không đưa ra bất kỳ lời xin lỗi nào.
Vụ bắn chết quan chức Hàn được cho là sẽ tiếp tục làm xấu đi mối quan hệ liên Triều vốn đã rạn nứt nặng nề sau khi Triều Tiên phản đối truyền đơn từ Hàn Quốc và giật sập tòa nhà văn phòng liên lạc liên Triều hồi tháng 6. Giới quan sát cho rằng sự việc có thể cản trở các nỗ lực thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Mai Lâm (Theo Yonhap)