Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA hôm nay thông báo khoảng 4,77 triệu bệnh nhân "sốt" ở nước này đã bình phục hoàn toàn, song có 74 người tử vong kể từ cuối tháng 4. Triều Tiên không ghi nhận thêm ca sốt mới kể từ ngày 30/7.
"Tình hình chống dịch Covid-19 đã đi vào giai đoạn ổn định vững chắc", KCNA cho biết, nhưng không tuyên bố "chiến thắng Covid-19" hay đại dịch đã chấm dứt. Triều Tiên chưa công bố số lượng người ở nước này có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV.
Bình Nhưỡng cũng tuyên bố sẽ "nỗ lực gấp đôi để tiếp tục hoàn thiện các chính sách và biện pháp chống dịch của nhà nước, đồng thời thắt chặt toàn diện hệ thống chống dịch".
Theo KCNA, mục tiêu này bao gồm tăng cường giám sát các biển thể phụ mới của Covid-19, cũng như các biện pháp để tăng tốc huy động đội ngũ y tế trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.
Thay vì công bố số ca dương tính nCoV, Bình Nhưỡng dùng cụm từ "ca sốt". Nhiều chuyên gia nhận định điều này là do Triều Tiên thiếu nghiêm trọng năng lực xét nghiệm Covid-19.
Triều Tiên áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt từ khi đại dịch xuất hiện. Sau nhiều lần khẳng định vẫn sạch bóng Covid-19, Triều Tiên hồi tháng 5 bắt đầu đối phó đợt bùng phát đại dịch.
Do Triều Tiên chưa tiến hành chiến dịch tiêm chủng, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus từng bày tỏ "lo ngại sâu sắc về nguy cơ Covid-19 lây lan hơn nữa ở Triều Tiên, đặc biệt khi dân số chưa được tiêm vaccine và nhiều người có bệnh lý nền"
Mỹ và Hàn Quốc tỏ ý sẵn sàng hỗ trợ Triều Tiên ứng phó đại dịch, nhưng không nhận được hồi đáp. Truyền thông nhà nước Triều Tiên đã khuyến khích người dân điều trị Covid-19 tại nhà bằng các loại thuốc hạ sốt, kháng sinh và các loại trà thảo dược.
Đức Trung (Theo Reuters, AFP)