Xinhua dẫn tin từ cơ quan theo dõi động đất Trung Quốc cho hay cơn địa chấn xảy ra vào 9h30 (giờ địa phương), ở tọa độ gần bãi thử hạt nhân trước đây của Triều Tiên, mạnh 4,9 độ Richter.
Một số tờ báo Trung Quốc cho rằng sức mạnh của nó tương đương 22.000 tấn thuốc nổ TNT.
Trong khi đó, AP cho biết Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ đo được cường độ rung chấn là 5,1 độ Richter, với tâm chấn nằm ở thị trấn Sungjibaegam, tỉnh Ryanggang.
Một quan chức thuộc cơ quan khí tượng Hàn Quốc nghi ngờ đây là "trận động đất nhân tạo" do Triều Tiên tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân thứ 4. Vị trí xảy ra rung chấn nằm cách thành phố đông bắc Triều Tiên Kilju, nơi có bãi thử hạt nhân chính của nước này, 49 km.
Triều Tiên đã 3 lần thử nghiệm hạt nhân tại đây, gần nhất là vào tháng 2/2013.
Bom nhiệt hạch (bom H) hoạt động mô phỏng quá trình giải phóng năng lượng hạt nhân trên mặt trời, có khác biệt ít nhiều so với nguyên lý bom nguyên tử (bom A). Sức công phá của bom nhiệt hạch là từ sự bùng nổ của hạt nhân hydro khi chúng chuyển thành helium. Bom nhiệt hạch có sức công phá mạnh hơn nhiều lần bom nguyên tử do nhiên liệu sử dụng nhẹ hơn và phản ứng nhiệt hạch có hiệu suất cao hơn phản ứng nguyên tử.
Chính quyền Hàn Quốc hiện chưa thể xác nhận liệu cơn địa chấn trên xuất phát từ nguyên nhân tự nhiên hay nhân tạo.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết đang xem xét các báo cáo về vụ việc.
Bộ trưởng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho rằng theo kinh nghiệm, đây có thể là một vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Tokyo đang thu thập và phân tích thông tin về cơn địa chấn. Theo ông Suga, chính phủ nước này còn triệu tập cuộc họp của một nhóm chuyên trách về Triều Tiên.
Nếu đây là vụ thử hạt nhân mới của Triều Tiên, nó sẽ đánh dấu một bước tiến lớn hướng tới mục tiêu chế tạo đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để gắn vào tên lửa có khả năng đạt tới bờ biển Mỹ.
Động thái này có thể khiến Liên Hợp Quốc gia tăng trừng phạt với Triều Tiên và làm xấu thêm mối quan hệ vốn đã xấu giữa Bình Nhưỡng với Washington cũng như các láng giềng.
Triều Tiên được cho là sở hữu một số vũ khí hạt nhân thô. Mỹ và các đồng minh luôn lo ngại về các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên vì mỗi vụ thử nghiệm mới sẽ giúp Bình Nhưỡng tiến gần hơn tới việc hoàn thiện kho vũ khí hạt nhân của mình.
Anh Ngọc