"Thực tế cho thấy rõ ràng mục đích thực sự của việc Mỹ tung tin đồn về 'mối đe dọa từ Triều Tiên' là để kiếm cớ thiết lập ưu thế quân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương", hãng thông tấn KCNA hôm nay dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói. "Tình hình hiện nay càng đòi hỏi chúng ta phải phát triển hệ thống phòng thủ quốc gia để chủ động đối phó với diễn biến xấu đi nhanh chóng của môi trường an ninh".
Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO vào tuần trước và nhất trí rằng tiến độ các chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên đang gây ra những mối đe dọa nghiêm trọng, không chỉ đối với bán đảo Triều Tiên mà còn cả khu vực Đông Á và thế giới.
Ba lãnh đạo tuyên bố sẽ nghiên cứu thêm những biện pháp khác nhằm củng cố "khả năng răn đe" đối với Triều Tiên.
Triều Tiên năm nay tiến hành hàng loạt vụ thử tên lửa với cường độ chưa từng có. Giới quan sát suy đoán Bình Nhưỡng còn đang chuẩn bị thử hạt nhân.
"Khả năng răn đe của liên minh Nhật - Mỹ và Mỹ - Hàn cần được nâng cấp như một phần của nỗ lực thiết yếu nhằm tăng cường quan hệ đối tác ba bên giữa Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc", Thủ tướng Kishida nói.
Quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc lâu nay vẫn căng thẳng bởi những ký ức về thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến 1945.
Mối quan hệ càng trở nên tồi tệ dưới thời cựu tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, với những tranh cãi về lãnh thổ và lịch sử. Hai quốc gia thậm chí đã ngừng một hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo. Dù vậy, tân Thủ tướng Yoon đã bày tỏ mong muốn sửa chữa quan hệ song phương và Thủ tướng Kishida dường như cũng hưởng ứng điều này.
Vũ Hoàng (Theo CNN)