Covid-19 khiến Triều Tiên đóng cửa đất nước, dẫn đến rút lui ở nhiều giải đấu trong đó có U17 và U20 World Cup nữ 2022. Trở lại sau năm năm ẩn mình, Triều Tiên không suy yếu mà còn mạnh mẽ đến ngỡ ngàng, để ẵm trọn hai danh hiệu cao quý nhất cấp độ trẻ bóng đá nữ thế giới.
Ngày 22/9, Triều Tiên quật ngã Nhật Bản 1-0 ở chung kết U20 World Cup, sau khi hạ Argentina 6-2, Costa Rica 9-0 và Hà Lan 2-0 ở vòng bảng. Từ vòng 1/8, đội lần lượt khuất phục Áo 5-2, Brazil 1-0 và Mỹ 1-0. Đến ngày 3/11, Triều Tiên hạ đương kim vô địch Tây Ban Nha 4-3 ở loạt luân lưu, sau khi hoà 1-1 ở chung kết U17 World Cup. Hành trình đi đến trận đấu cuối là những chiến thắng trước Mexico (4-1), Kenya (3-0), Anh (4-0) tại vòng bảng, rồi Ba Lan (1-0) ở tứ kết và Mỹ (1-0) tại bán kết.
Lịch sử U17 World Cup nữ ghi nhận Triều Tiên trở thành đội đăng quang nhiều nhất, với ba lần (2008, 2016, 2024). Điều tương tự diễn ra ở U20 World Cup nữ (2006, 2016, 2024), để sánh ngang Đức (2004, 2010, 2014) và Mỹ (2002, 2008, 2012).
Báo Tây Ban Nha Marca bình luận: "Triều Tiên thống trị bóng đá trẻ và cảnh báo những đội tuyển hàng đầu". Báo Anh The Guardian thì giật tít: "Triều Tiên nuôi dưỡng thế hệ vàng mới khi ẩn mình khỏi thế giới".
HLV U20 Triều Tiên Ri Song-ho đánh giá các học trò biết kiểm soát, thiết lập nhịp độ trận đấu và tuân theo ý đồ chiến thuật. "Chúng tôi cho thấy sự nguy hiểm trong cách xây dựng các đợt tấn công", Ri nói sau trận chung kết với Nhật Bản. Trong khi đó, HLV U17 Triều Tiên Song Sung-gwon tự hào khi đánh bại đội tuyển xuất sắc nhất châu Âu để trở thành đội xuất sắc nhất thế giới, rồi nhắc về đoàn kết để giải thích cho chiến thắng. "Chúng tôi một lần nữa học được rằng nếu cùng nhau chiến đấu thì chiến thắng là điều tất lẽ", Song cho hay.
Các đối thủ cũng không giấu được sự ngạc nhiên về cách thi đấu của các cô gái Triều Tiên. Irune Dorado nói rằng đối thủ rất mãnh liệt. "Họ không cho chúng tôi thở và làm như vậy suốt 90 phút", tiền vệ Tây Ban Nha cho biết. Đồng đội Celia Segura bổ sung thêm rằng, "rất khó có đội nào sánh được với cường độ thi đấu của Triều Tiên".
Truyền thông vẫn gọi Triều Tiên là quốc gia bí mật nhất thế giới. Các cầu thủ nữ Triều Tiên đều thi đấu trong nước, với đội nổi tiếng nhất là CLB Thể thao Quốc phòng Quốc gia 25/4 tại thủ đô Bình Nhưỡng. Họ biến mất trên truyền thông và trở thành ẩn số trước mỗi giải đấu. Nhưng thực tế bóng đá đã trở thành trọng tâm của giáo dục trường học kể từ khi Kim Jong-un nắm quyền vào năm 2012. Bóng đá nữ được chú trọng hơn cả, với tiềm năng phát triển và phụ nữ Triều Tiên có thể trở thành hình mẫu toàn cầu. Các giải đấu trẻ được quan tâm khi khoảng cách với châu Âu đang thu hẹp dần.
Tờ Bleacher Report từng phát hiện một tài liệu có bản tiếng Anh tại Triều Tiên, nêu bật quan điểm của Chủ tịch Kim Jong-un, về việc thể thao đóng vai trò rất quan trọng đối với quốc gia. Theo đó, các VĐV phải xem việc tập luyện như mệnh lệnh chiến đấu từ Đảng, sân tập như chiến trường để thực hiện lý tưởng của Đảng và thể thao như một phương tiện để thúc đẩy những đặc tính của đất nước. "Tất cả cầu thủ Triều Tiên đều cắt tóc ngắn là minh họa chân thực cho kỷ luật quân đội", bài viết trên Footboom1 có đoạn.
Các cầu thủ Triều Tiên chịu nhiều định kiến, bị ví như robot không cảm xúc, trái ngược thực tế vừa diễn ra ở World Cup trẻ. "Phong cách thi đấu của họ tràn đầy năng lượng và gây áp lực cao, nhưng cũng tự do, sáng tạo và vui nhộn", tờ Guardian nhận định. "Họ phối hợp tốc độ cao đầy sáng tạo, còn các cầu thủ chứa đựng nhiều thú vị và hấp dẫn khi thể hiện cảm xúc".
Phần thưởng sau quá trình huấn luyện nghiêm khắc là danh hiệu và sự đối xử đặc biệt từ xã hội dành cho nhà vô địch. Triều Tiên làm phim tài liệu, dán các bài báo viết về chức vô địch ở các địa điểm công cộng như một sự tôn vinh. Những cầu thủ tốt nhất sẽ thi đấu ở giải quốc gia, nơi họ được cung cấp chỗ ở và việc làm tại thủ đô Bình Nhưỡng.
Nền tảng đào tạo trẻ tốt giúp đội tuyển nữ Triều Tiên vẫn đứng thứ chín trên bảng thứ bậc FIFA. Đội nam nằm ngoài top 100 nhưng đã giành vé vào vòng loại ba World Cup 2026 – khu vực châu Á. Ở cấp độ trẻ, U17 và U20 nam Triều Tiên cũng đều có suất dự vòng chung kết châu Á 2025.
Thế hệ vừa vô địch U17 và U20 World Cup nữ - được nuôi dưỡng trong cô lập - hướng đến giành vé dự World Cup 2027. Trước đó, đội có ba kỳ liên tiếp không có vé do dịch bệnh năm 2023 và bê bối doping từ năm 2011, khi năm tuyển thủ dương tính với một loại steroid hiếm. Triều Tiên giải thích là họ chỉ sử dụng một loại thuốc truyền thống từ tuyến xạ hương hươu, nhưng FIFA bác bỏ và cấm độ dự World Cup nữ 2015. Đội tuyển tụt bậc và hậu quả là mất luôn vé dự World Cup nữ 2019.
"Thể thao có sức mạnh kết nối người với người", bài viết của Guardian có đoạn. "Ít nhất cũng là cửa sổ để nhìn vào một điều gì đó khác ngoài những câu chuyện được kể trên truyền thông, về áp bức và đói nghèo ở Triều Tiên".
Trung Thu