"Ngay cả trong tình hình phòng chống dịch bệnh khẩn cấp tối đa, hoạt động sản xuất bình thường vẫn được duy trì tại các ngành công nghiệp chủ chốt và các dự án xây dựng quy mô lớn vẫn được đẩy mạnh", hãng thông tấn Triều Tiên KCNA hôm nay đưa tin. "Kết quả tốt được báo cáo đều đặn trong cuộc chiến chống dịch bệnh đang diễn ra".
Tính đến tối 19/5, Triều Tiên ghi nhận thêm 263.370 người có triệu chứng sốt và hai trường hợp tử vong, nâng tổng số ca sốt lên 2,24 triệu, trong đó 65 người đã chết. Triều Tiên không nói rõ bao nhiêu trường hợp sốt và tử vong dương tính với nCoV.
Triều Tiên trước đó nói rằng cuộc chiến chống dịch đang có "bước ngoặt thuận lợi", trong khi giới chức Hàn Quốc nói khó có thể đưa ra kết luận vì không rõ cách Triều Tiên đang thống kê số ca sốt và ca Covid-19.
Martyn Williams, nhà nghiên cứu tại trang web 38 North chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên có trụ sở tại Mỹ, cho biết các trường hợp sốt do chính phủ báo cáo đã giảm ở Bình Nhưỡng, nhưng tăng lên ở các tỉnh nông thôn.
Triều Tiên đang đẩy mạnh sản xuất vật tư y tế để điều trị bệnh nhân, đồng thời xây nhiều khu cách ly và tăng nỗ lực khử khuẩn toàn quốc sau khi lãnh đạo Kim Jong-un cho rằng "năng lực nhà nước trong ứng phó khủng hoảng còn non kém" và chỉ trích "thái độ không tích cực, chểnh mảng, thụ động của quan chức hàng đầu" trong đợt bùng phát Covid-19.
Triều Tiên là một trong những nước có hệ thống y tế kém nhất trên thế giới, với các bệnh viện có trang thiết bị nghèo nàn, ít cơ sở chăm sóc đặc biệt, không có thuốc điều trị Covid-19 và không có khả năng xét nghiệm diện rộng, theo các chuyên gia. Truyền thông nhà nước Triều Tiên đang khuyến khích người dân điều trị Covid-19 tại nhà bằng các loại thuốc hạ sốt, kháng sinh và các loại trà thảo dược.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ "lo ngại sâu sắc về nguy cơ Covid-19 lây lan hơn nữa ở Triều Tiên, đặc biệt khi dân số chưa được tiêm chủng và nhiều người có bệnh lý nền, khiến họ có nguy cơ trở nặng và tử vong".
Mỹ và Hàn Quốc tỏ ý sẵn sàng hỗ trợ Triều Tiên ứng phó đại dịch nhưng không nhận được hồi đáp. Nguồn tin ngoại giao giấu tên cho biết ba máy bay của hãng hàng không Triều Tiên Air Koryo đã đến Trung Quốc tiếp nhận vật tư y tế và trở về Bình Nhưỡng hồi đầu tuần.
Huyền Lê (Theo Reuters)