Giám đốc nhà máy mỹ phẩm Sinuiju của Triều Tiên hai tay nắm chặt, đấm vào nhau khi được hỏi về nhà máy đối thủ tại Bình Nhưỡng, theo AFP.
"Chúng tôi luôn cạnh tranh với nhau", Kim Hye Yong khẳng định.
Trong nhà máy, công nhân đeo mặt nạ, mặc đồ bảo hộ màu trắng, đeo găng tay, đội mũ lèn tóc gọn gàng khi vận hành máy móc sản xuất dầu gội đầu, kem bôi, sữa rửa mặt và những sản phẩm khác.
Nhiều sản phẩm chiết xuất từ nhân sâm, loại cây trồng nổi tiếng của Triều Tiên, với bao bì gần giống những nhãn hiệu phương Tây như Pantene hay Head&Shoulders.
"Chắc chắn có nhiều người thích sản phẩm của chúng tôi", Kim nói.
Trước hội nghị thượng đỉnh lần hai với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố nếu Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, đất nước này "có thể nhanh chóng trở thành một trong những cường quốc kinh tế thế giới".
Thực tế khó khăn và xa xôi hơn nhiều so với lời nói của Tổng thống Mỹ, nhưng Triều Tiên đang tự thân nỗ lực phát triển kinh tế. Trong đại hội gần nhất của đảng cầm quyền, ông Kim nói rằng "cơn gió của tư sản tự do, cải cách và mở cửa đang thổi qua nước láng giềng của chúng ta".
Đó là lời ám chỉ rõ ràng tới Trung Quốc, nơi giải phóng kinh tế thị trường dưới cái tên "chủ nghĩa xã hội đặc sắc kiểu Trung Quốc" đã biến quốc gia này thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Dù truyền thông nhà nước Triều Tiên thường xuyên đăng bài chỉ trích những tệ nạn của chủ nghĩa tư bản và dự đoán nó sẽ sụp đổ, nhưng thực tế, ông Kim đang lặng lẽ cải cách nền kinh tế theo hướng này trong vài năm qua.
Nhà nước nới lỏng kiểm soát, để thương nhân hoạt động trong các lĩnh vực phi chính thức, tạo không gian linh hoạt cho các doanh nghiệp nhà nước và "hé cửa" cho các công ty tư nhân hoạt động, khuyến khích các nhà máy cạnh tranh, đa dạng hóa và hội nhập dọc.
Tới thăm nhà máy Sinuiju cùng phu nhân Ri Sol-ju hồi tháng 6/2018, Chủ tịch Triều Tiên khen ngợi sáng kiến đổi mới và thu hút người tiêu dùng của nhà máy. Ông cho phép nhà máy mở cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc để tạo kênh mua sắm trực tiếp cho người tiêu dùng.
"Do sản phẩm của chúng tôi đáp ứng với nhu cầu của họ, nên nó khiến người tiêu dùng và nhà sản xuất xích lại gần hơn", Kim, 54 tuổi, quản lý nhà máy, cho hay. "Chúng tôi sản xuất để phục vụ nhân dân".
Ảnh hưởng của cải cách hiển hiện rõ ràng nhất ở Bình Nhưỡng, nơi tầng lớp trung lưu của thủ đô lui tới những quán cà phê, phòng gym hay sử dụng điện thoại thông minh ngày càng phổ biến.
Tuy nhiên, quảng cáo thương mại và thương hiệu ngoài đường, chẳng hạn như đặt biển quảng cáo tên cửa hàng, vẫn hiếm và người dân thủ đô không thể đại diện cho cả nước.
Dù nỗ lực cải cách, nhưng do lệnh trừng phạt quốc tế, kinh tế Triều Tiên vẫn suy giảm 3,5% năm 2017, số liệu mới nhất theo ngân hàng trung ương Hàn Quốc.
Sau chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, Triều Tiên từng giàu có hơn Hàn Quốc một khoảng thời gian, nhưng tình hình đảo ngược khi Liên Xô tan rã. Hiện thu nhập trung bình của người dân Triều Tiên chưa bằng 1/20 Hàn Quốc, theo ước tính của Seoul.
Bắc Kinh, đồng minh ngoại giao quan trọng kiêm đối tác thương mại chính của Bình Nhưỡng, từ lâu đã thúc giục Triều Tiên đi theo con đường kinh tế của mình.
Bản thân Sinuiju, thành phố biên giới Triều Tiên ở bờ nam sông Áp Lục, thể hiện rõ ràng sự tương phản với Trung Quốc. Phía bên kia bờ sông là Đan Đông, thành phố biên giới Trung Quốc luôn sáng rực ánh đèn và các tòa nhà chọc trời. Còn cách Đan Đông vài km ở bên kia sông, người dân còn sử dụng xe bò kéo ở vùng nông thôn Triều Tiên.
Yếu tố địa lý khiến kinh tế Triều Tiên luôn gắn kết mật thiết với Trung Quốc. Ước tính, giao dịch thương mại với Trung Quốc chiếm 90% tỷ trọng thương mại Triều Tiên.
Nhưng Bình Nhưỡng luôn có tinh thần dân tộc mạnh mẽ, với ý thức hệ "juche" (tự lực). Họ cũng không muốn dựa vào Mỹ để tìm kiếm sự thịnh vượng trong tương lai hay bất kỳ điều gì Trump hứa hẹn.
Điều giới ngoại giao Triều Tiên quan tâm nhất là ví dụ về Việt Nam, nước tổ chức hội nghị thượng đỉnh, nơi chính phủ do đảng Cộng sản lãnh đạo đã đưa đất nước phát triển nhờ mở cửa với kinh tế thị trường.
Năm ngoái, ông Kim tuyên bố chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã hoàn thành nhiệm vụ và đặt ưu tiên mới vào "xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa".
Ông nhắc nhiều tới phát triển kinh tế trong bài phát biểu năm mới, dù các nhà phân tích nhận định những tháng gần đây sẽ có rất ít cải cách được đưa ra, trong lúc Bình Nhưỡng đang tập trung đàm phán với Washington.
Kim "không những cam kết tiếp tục lãnh đạo, mà còn thực sự quan tâm đến thực trạng kinh tế Triều Tiên và là một người rất thực tế", Andray Abrahamian, một người nghiên cứu về Triều Tiên tại đại học Stanford nhận định. "Các lãnh đạo Triều Tiên hiểu rằng mình cần phải dỡ bỏ lệnh trừng phạt".
Tuy nhiên, dù không có lệnh trừng phạt, đầu tư nước ngoài ở Triều Tiên cũng rất khó khăn, bởi cơ sở hạ tầng lạc hậu, nguồn cung điện không ổn định, mạng lưới giao thông kém phát triển, thiếu khuôn khổ pháp lý cho hoạt động kinh doanh.
Công ty viễn thông Ai Cập Orascom rót hàng trăm triệu đôla vào thiết lập mạng lưới điện thoại di động đầu tiên ở Triều Tiên có tên Koryolink, nhưng chính quyền lập đã ra một đối thủ cạnh tranh và Orascom không thể rút tiền về. Công ty xây dựng khổng lồ LafargeHolcim cũng rút khỏi Triều Tiên năm 2017 vì tổn thất nặng nề.
Các nhà phân tích cảnh báo dù Trump, Kim có đạt được thỏa thuận khiến Triều Tiên dỡ bỏ vũ khí hạt nhân thì cũng chưa có nhiều tác dụng kích thích kinh doanh ngay.
"Một Triều Tiên sở hữu hạt nhân, dù lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, chưa thể thu hút đầu tư tư nhân bởi mối quan hệ hòa bình dễ bị tổn thương với các nước láng giềng", Paul Choi, chuyên gia ngân hàng CLSA cảnh báo các nhà đầu tư. "Cần thận trọng".