"Các thế lực thù địch đang đẩy sản phẩm dư thừa, giá rẻ sang nước khác dưới vỏ bọc hàng viện trợ để tạo ra những lầm tưởng về họ, che mờ tâm trí của mọi người", bài xã luận trên tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, hôm nay viết. "Nếu phụ thuộc vào hàng nhập khẩu, bạn sẽ hoàn toàn phó mặc vận mệnh của mình cho người khác và cuối cùng, đất nước của bạn sẽ bị hủy hoại".
Bài báo nhấn mạnh sự cần thiết của việc tự lực sản xuất hàng hóa với chất lượng tốt nhất, giá thành thấp nhất và hình thức đa dạng, xem đây là "vấn đề nhân phẩm quốc gia". Theo Rodong Sinmun, việc tự sản xuất sẽ cung cấp cho người dân những sản phẩm đáng tin cậy và cảm thấy tự hào. "Bảo vệ sản phẩm của chúng ta chính là cách bảo vệ chủ nghĩa xã hội", bài báo có đoạn.
Tuy nhiên, bài viết cũng cảnh báo việc "bài ngoại một cách mù quáng", kêu gọi người dân không ngần ngại học hỏi những điểm tốt nhất từ sản phẩm nước ngoài để ứng dụng vào quy trình sản xuất của họ.
Truyền thông Triều Tiên từng đưa ra lời kêu gọi tương tự kể từ sau hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 2 kết thúc mà không đưa ra được thỏa thuận chung.
Hồi tháng 3, một bài xã luận trên Rodong Sinmun cũng đề cao khả năng tự lực tự cường, không trông chờ vào sự giúp đỡ bên ngoài khi đối mặt với giai đoạn mà Bình Nhưỡng gọi là "những khó khăn nghiêm trọng nhất".
"Tự lực là việc khó khăn nhưng nó giống như một liều thuốc giúp tăng cường sức mạnh quốc gia", bài báo có đoạn, nhấn mạnh quan điểm rằng phụ thuộc vào sự giúp đỡ từ bên ngoài giống như "thuốc độc", khiến con người u mê và suy giảm sức mạnh dân tộc.
Truyền thông Triều Tiên gần đây thừa nhận nước này đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán nghiêm trọng nhất trong 40 năm qua, có thể gây ra mất mùa diện rộng và nạn đói kéo dài. Liên Hợp Quốc cũng cho rằng hàng triệu người Triều Tiên đang cần viện trợ lương thực khẩn cấp, trong bối cảnh nền kinh tế nước này bị bóp nghẹt bởi các lệnh cấm vận quốc tế.
Mai Lâm (Theo Yonhap)