Ông Choe Myong Nam, đại diện của Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc (LHQ), kiên quyết phản đối nghị quyết được Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc, được thông qua hôm 18/10, trong đó yêu cầu Hội đồng Bảo an chuyển Triều Tiên lên Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) để điều tra.
Nghị quyết được hơn 60 nước dự thảo, dựa trên điều tra của LHQ, gồm báo cáo 400 trang đưa ra hồi đầu năm nay, rằng Triều Tiên lạm dụng quyền con người, không tuân theo các tiêu chuẩn của thế giới.
Ông Choe mô tả đây là một âm ưu chống lại Triều Tiên với những cáo buộc chính trị vô căn cứ. Ông cho rằng tài liệu trên chỉ dựa vào lời khai của những người đào tẩu đã phạm tội trước khi trốn khỏi Triều Tiên.
"Chúng tôi sẽ đáp trả mạnh mẽ không chút khoan nhượng dù là nhỏ nhất với bất kỳ nỗ lực nào của các lực lượng thù địch lạm dụng vấn đề nhân quyền làm công cụ để lật đổ hệ thống xã hội của nước chúng tôi", BNO News dẫn lời ông Choe.
"Chiến dịch nhân quyền thái quá và vô lý mà Mỹ và những nước đi theo dựng nên nhằm nỗ lực xóa bỏ hệ thống xã hội và nhà nước của Triều Tiên, buộc chúng tôi không thể kiềm chế thêm nữa việc tiến hành một cuộc thử nghiệm hạt nhân", quan chức này cảnh báo.
Ông Choe cũng chỉ trích những bên đồng thuận của nghị quyết là Liên minh châu Âu và Nhật Bản vì "phục tùng Mỹ". Ông tuyên bố động thái của LHQ đã khép lại cơ hội đối thoại về nhân quyền trong tương lai.
Cuộc thử nghiệm hạt nhân gần nhất của Triều Tiên diễn ra vào tháng 2/2013. LHQ sau đó đã áp đặt một vòng trừng phạt mới nhằm ngăn chặn chương trình phát triển tên lửa hạt nhân và đạn đạo cũng như các hoạt động phổ biến hạt nhân của Triều Tiên. Hai cuộc thử nhiệm trước đó của nước này là vào năm 2006 và 2009.
Theo phân tích hình ảnh vệ tinh của tổ chức nghiên cứu Mỹ 38 North hôm qua, Triều Tiên có thể đang tái khởi động một nhà máy tái chế nhiên liệu hạt nhân để sản xuất plutonium cấp độ vũ khí, lần đầu tiên sau gần 6 năm.
Huffington Post cho hay, nhà máy này được dùng để tái chế các nhiên liệu đã qua sử dụng từ một lò phản ứng 5 megawatt. Lò này đã sản xuất plutonium cho các vụ thử nghiệm hạt nhân trước đây của Triều Tiên. Nó bị đóng cửa vào năm 2007, theo một thỏa thuận giải giáp hạt nhân nhưng đã được khởi động lại vào năm ngoái.
38 North cho hay lò phản ứng này dường như đã bị đóng cửa trong khoảng 10 tuần, lâu hơn thời gian bảo trì thông thường. Tổ chức này phỏng đoán Triều Tiên đang thay thế một lượng nhỏ các thanh nhiệu liệu đã qua sử dụng và bắt đầu tái chế nó.
Hơi nước bốc lên từ những tòa nhà liên kết với nhà máy tái chế và chất thải hóa học bên ngoài một cơ sở sản xuất nhiên liệu là những dấu hiệu củng cố cho phỏng đoán của 38 North.
Anh Ngọc