Người đưa ra cảnh báo là chỉ huy lực lượng Triều Tiên đóng quân ở làng Bàn Môn Điếm thuộc tỉnh Gyeonggi, nơi thỏa thuận ngừng bắn trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 được ký kết.
"Hành vi sai phạm, dù là nhỏ và không cố ý, hoặc những biểu hiện không đúng mực, có thể dẫn đến một cuộc đối đầu thảm khốc", KCNA dẫn lời vị quan chức quân đội Triều Tiên giấu tên tuyên bố. Theo đó, các hoạt động gần đây của quân đội Mỹ, đặc biệt là việc xây dựng một tháp canh thép, gây bất ổn an ninh cho khu vực. Bình Nhưỡng lo ngại tháp canh được sử dụng với mục đích "gián điệp" tinh vi.
Ngoài ra, Triều Tiên còn cáo buộc quân đội Mỹ có hành vi "nham hiểm" khi phát loa phóng thanh và rải truyền đơn có "nội dung không trung thực" qua biên giới.
Phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc, tổ chức giám sát hiệp định đình chiến giữa hai miền Triều Tiên, bác bỏ những quan ngại của Bình Nhưỡng và khẳng định tháp canh được dựng nên với "mục đích giám sát bình thường".
Làng Bàn Môn Điếm, giới tuyến phân cách hai miền, là nơi tổ chức nhiều cuộc đàm phán liên Triều hàng chục năm qua. Phần phía nam ngôi làng chịu sự giám sát của quân đội Mỹ và quân đội Hàn Quốc, trong khi Triều Tiên thường xuyên lên án sự hiện diện của các lực lượng này.
Căng thẳng Bình Nhưỡng - Seoul tăng cao thời gian qua, đặc biệt sau vụ Triều Tiên nã pháo sát tàu tuần tra Hàn Quốc gần đường biên giới tranh chấp trên biển hôm 22/5. Đây được xem là hành động trả đũa việc một tàu chiến Hàn Quốc nã đạn cảnh cáo ba tàu tuần tra Triều Tiên hôm 20/5, khi ba tàu này vượt qua Đường Giới hạn Phía bắc (NLL) ở biển Hoàng Hải. Mỹ lên tiếng yêu cầu Triều Tiên ngừng các biểu hiện khiêu khích sau vụ việc.
Bình Nhưỡng cũng thường xuyên chỉ trích Mỹ khi quốc gia này tiến hành tập trận thường niên với Hàn Quốc. Năm 1976, một nhóm binh sĩ Triều Tiên giết chết hai lính Mỹ, gây ra nguy cơ về một cuộc xung đột toàn diện thời điểm đó.
Trần Trang