"Nếu Hàn Quốc tiếp tục hành động rải truyền đơn và phát thanh khiêu khích qua biên giới, Triều Tiên sẽ thực hiện hành động đáp trả mới", Kim Yo-jong, thành viên Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, ngày 10/6 cảnh báo.
Bà Kim Yo-jong cáo buộc Hàn Quốc tiếp tay cho hành vi khiêu khích và phát tán truyền đơn qua biên giới vào ngày 6-7/6 bất chấp Triều Tiên nhiều lần cảnh báo, khiến tình hình thêm trầm trọng. Triều Tiên sau đó đáp trả bằng cách dùng hơn 1.400 quả bóng rải 7,5 tấn giấy vụn vào đêm 8/6, rạng sáng 9/6.
"Chúng tôi chỉ rải giấy vụn mà không có bất cứ hành vi kích động chính trị nào, hoàn toàn khác hành vi chống Triều Tiên của những kẻ cặn bã ở Hàn Quốc", bà nói. "Phản ứng ở mức tối thiểu của chúng tôi là hành động công bằng".
Theo bà, Triều Tiên ban đầu dự định kết thúc phản ứng vào ngày 9/6, song tình hình đã thay đổi khi Hàn Quốc nối lại phát loa tuyên truyền. Bà Kim Yo-jong gọi đây là "màn dạo đầu cho một tình huống rất nguy hiểm" tạo ra cuộc khủng hoảng mới.
"Hàn Quốc sẽ phải chịu nỗi xấu hổ cay đắng khi phải nhặt giấy vụn không ngừng nghỉ và đó sẽ là công việc hàng ngày của họ", bà cho biết. "Tôi nghiêm khắc cảnh báo Seoul rằng hãy dừng ngay hành động nguy hiểm làm tăng thêm đối đầu và tự kiềm chế mình".
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) ngày 9/6 cho biết quân đội đã phát loa tuyên truyền vào buổi chiều và việc tiếp tục hoạt động này hay không "hoàn toàn phụ thuộc vào động thái của Triều Tiên".
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc trước đó thông báo việc nối lại phát loa tuyên truyền là "biện pháp đáp trả tương xứng" với những quả bóng bay chứa rác mà Triều Tiên thả qua biên giới ngày 8/6.
Triều Tiên thả bóng bay nhằm đáp trả việc các nhà hoạt động Hàn Quốc dùng bóng bay rải truyền đơn, đôi khi là tiền mặt, gạo hoặc ổ đĩa USB chứa các bộ phim truyền hình sang biên giới. Giới chức Hàn Quốc gần như không có biện pháp pháp lý nào để ngăn hành động này.
Một số chuyên gia cảnh báo quyết định nối lại phát loa tuyên truyền của Hàn Quốc có thể gây ra tác động nghiêm trọng, thậm chí "dẫn tới xung đột vũ trang". Theo Cheong Seong-chang, chuyên gia tại Viện Sejong ở Hàn Quốc, Triều Tiên "có thể nã đạn vào vùng biển phía tây bán đảo hoặc bắn hạ bất cứ quả bóng nào đến từ Hàn Quốc".
"Triều Tiên tuần trước gây nhiễu tín hiệu định vị GPS trong nhiều ngày. Họ có thể gia tăng thực hiện hành động này tại vùng biển phía tây bán đảo", chuyên gia Cheong Seong-chang dự báo.
Trong giai đoạn quan hệ liên Triều được cải thiện năm 2018, lãnh đạo hai bên từng nhất trí "chấm dứt hoàn toàn mọi hành vi thù địch với nhau trong mọi lĩnh vực", trong đó có rải tờ rơi.
Quốc hội Hàn Quốc năm 2020 thông qua đạo luật hình sự hóa hành vi thả tờ rơi vào Triều Tiên, song không ngăn được các nhà hoạt động. Đạo luật này bị bãi bỏ năm ngoái với lý do "vi phạm quyền tự do ngôn luận".
Nguyễn Tiến (Theo AFP, KCNA)