Theo Kim Yoo-sung, người trốn khỏi Triều Tiên năm 2005, học ngoại ngữ là điều bắt buộc đối với tất cả người Triều Tiên, từ bậc tiểu học đến trung học.
Chương trình giáo dục phổ thông ở Triều Tiên kéo dài tổng cộng 11 năm: 5 năm tiểu học và 6 năm trung học. Cho đến năm 2011, nhà nước chỉ bắt buộc học sinh trung học học ngoại ngữ. Nhưng kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền, học sinh phải học ngoại ngữ từ bậc tiểu học.
Ngoại ngữ phổ biến nhất ở Triều Tiên là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc. Nhiều người Triều Tiên quan niệm tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế và tất cả mọi người đều phải biết và có thể nói được. Hầu hết trường và đại học nước này đều dạy tiếng Anh.
Cho đến cuối những năm 1990, Trung Quốc hoàn toàn không phải là thứ tiếng phổ biến ở Triều Tiên. Kể từ đầu những năm 2000, nền kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh chóng và tác động của nước này với Triều Tiên ngày càng tăng tiến. Quan hệ Trung - Triều tăng cường và vững mạnh hơn trong những năm qua vì ngày càng có nhiều hoạt động giao lưu kinh tế và văn hóa song phương. Việc học tiếng Trung thậm chí còn trở nên phổ biến hơn so với tiếng Anh. Nhiều người Triều Tiên hiện tự học tiếng Trung.
Tiếng Nga từng là một trong những ngoại ngữ được học nhiều nhất ở Triều Tiên cho đến cuối năm 1980. Sau khi Liên Xô tan rã, thương mại giữa Bình Nhưỡng và Moscow giảm sút khá nhiều nên tiếng Nga hiện không còn được ưa chuộng ở Triều Tiên. Tuy nhiên, hầu hết trường ở nước này hiện vẫn có lớp dạy tiếng Nga tự chọn.
Nhưng trong khi tất cả người Triều Tiên được, hay đúng hơn là phải học ngoại ngữ trong suốt những năm ngồi trên ghế nhà trường, chỉ học sinh xuất thân từ tầng lớp thượng lưu và giới tinh hoa mới có động lực để học chuyên sâu một thứ tiếng. Những người này biết rằng họ có thể áp dụng kiến thức ngoại ngữ cho công việc sau khi tốt nghiệp đại học. Vì vậy, họ có động lực trau dồi hơn những học sinh khác.
Trừ khi trở thành nhà ngoại giao hay doanh nhân thường đi công tác nước ngoài, người Triều Tiên sẽ không có cơ hội thực sự sử dụng ngoại ngữ. Hầu hết người dân không được tự do ra nước ngoài mà không có sự cho phép của chính phủ. Thành thạo ngoại ngữ sẽ không mang lại lợi thế gì, vì vậy, rất dễ hiểu tại sao người Triều Tiên không mấy hào hứng về việc học ngoại ngữ.
Phương Vũ (Theo NKNews)