"Chúng tôi đã hỗ trợ và cung cấp 50.000 tấn lúa mì năm 2020 dưới dạng viện trợ nhân đạo miễn phí. Chúng tôi sẵn lòng viện trợ lại lần nữa", Alexander Matsegora, Đại sứ Nga tại Triều Tiên Alexander Matsegora tuần này nói trên kênh Soloviov Live, về lời đề nghị Moskva đã đưa ra khi ông Kim Jong-un thăm Nga ngày 12-17/9.
"Những người bạn Triều Tiên đã trả lời thẳng thắn: 'Cảm ơn rất nhiều, chúng tôi sẽ đề nghị các bạn giúp đỡ khi tình hình khó khăn, nhưng bây giờ mọi thứ đều ổn'. Và quả thật, năm nay họ có vụ mùa bội thu", ông Matsegora nói thêm.
Nga là quốc gia đầu tiên ông Kim Jong-un đến thăm trong 4 năm qua. Phương Tây đã nhiều lần suy đoán Nga gợi ý cung cấp lương thực cho Triều Tiên để đổi lấy vũ khí từ nước này. Trong khi đó, Điện Kremlin cho biết Nga - Triều không ký thỏa thuận về quân sự hay các lĩnh vực khác trong chuyến thăm của ông Kim.
Không có dữ liệu chính thức về tình hình lương thực của Triều Tiên. Không giống như nhiều quốc gia khác, Triều Tiên không chuyển dữ liệu hàng năm cho Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), khiến cơ quan gặp khó khăn trong việc đưa ra các thông tin cập nhật thường xuyên về nước này.
Một số nhà quan sát Hàn Quốc bày tỏ thắc mắc về quyết định của Triều Tiên, họ cho rằng Bình Nhưỡng đối mặt một trong những năm khó khăn nhất lịch sử về khan hiếm lương thực. Kwon Tae-jin, nhà nghiên cứu kinh tế cấp cao tại viện chiến lược GS&J ở thành phố Hanam, tỉnh Gyeonggi, cho biết biên giới đóng cửa hơn ba năm vì Covid-19, thị trường đóng cửa và sản lượng kém vào năm ngoái là những nguyên nhân chính khiến năm nay Triều Tiên thiếu lương thực.
"Đầu năm nay, Triều Tiên đã nhập khẩu từ Trung Quốc lượng ngũ cốc lớn nhất từ năm 2020", Kwon nói nhưng không nêu con số cụ thể.
Tuy nhiên, Kwon nhận định tình hình lương thực Triều Tiên sẽ cải thiện vào tháng 10, khi vụ thu hoạch ngô diễn ra trong hai tháng 8 và 9.
Hồng Hạnh (Theo TASS, Korean Times)