Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong một bức ảnh công bố hôm 29/3, cùng 4 tướng lĩnh trong một căn phòng có vẻ như là phòng tác chiến quân sự. Phía sau là tấm bản đồ ghi chữ "Kế hoạch tấn công Lục địa Mỹ của các lực lượng chiến lược". Ảnh: AFP |
"Chúng tôi không phản đối đối thoại nhưng cũng không thể ngồi vào bàn đàm phán mặt đối mặt nhục nhã với phía đang cầm cây gậy hạt nhân", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên hôm qua tuyên bố trên truyền thông quốc gia. "Chừng nào Mỹ còn khư khư chính sách thù địch và hăm dọa hạt nhân chống lại (Triều Tiên), một cuộc thảo luận chân thành sẽ được tiến hành chỉ sau khi (Triều Tiên) chuẩn bị sẵn sàng lực lượng răn đe hạt nhân để ngăn chặn mối đe dọa chiến tranh hạt nhân của Mỹ".
Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kết thúc chuyến thăm Đông Bắc Á nhằm giảm căng thẳng quân sự đang leo thang trên bán đảo Triều Tiên. Ông Kerry cũng hối thúc Trung Quốc gây ảnh hưởng để kiềm chế nước láng giềng Triều Tiên.
Khi thăm Nhật Bản, ông Kerry cho biết Washington sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên nhưng Bình Nhưỡng phải có "những bước đi có ý nghĩa" để thể hiện sự tôn trọng các cam kết quốc tế.
"Nước Mỹ vẫn để ngỏ những cuộc đàm phán xác thực và đáng tin cậy về vấn đề phi hạt nhân hóa, nhưng gánh nặng là phía Bình Nhưỡng", ông nói.
Phát ngôn viên của Triều Tiên bình luận những lời đề nghị từ các quan chức cấp cao của Mỹ là "một âm mưu xảo trá" nhằm trốn tránh trách nhiệm đối với việc làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, và chỉ có mục đích khiến Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Bình Nhưỡng cũng đã lên tiếng bác bỏ đàm phán với Seoul, sau khi báo chí Hàn Quốc đưa tin tổng thống và các quan chức nước này đề cập đến khả năng đối thoại về khu công nghiệp Kaesong, nơi các công ty Hàn mở nhà máy và thuê mướn nhiều nhân công Triều Tiên. Khu công nghiệp Kaesong được coi là biểu tượng cụ thể của hợp tác liên Triều.
Trọng Giáp