"Các nước G7 không có thẩm quyền hay tư cách chất vấn cách Triều Tiên thực thi chủ quyền và vị thế quốc gia", Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son-hui ngày 20/4 tuyên bố.
Ngày 18/4, ngoại trưởng các nước G7 ra tuyên bố chung lên án vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa hôm 13/4 của Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng chấp nhận phi hạt nhân hóa.
Ngoại trưởng Triều Tiên chỉ trích tuyên bố chung này là "hành động can thiệp nội bộ", nhấn mạnh vị thế hạt nhân của Triều Tiên là vấn đề "đã hoàn thiện và không thể đảo ngược".
Bà nói sức mạnh hạt nhân của Bình Nhưỡng đã trở thành thực tế "không thể chối cãi" và dù Mỹ không thừa nhận thì cũng không thể thay đổi điều này. Triều Tiên cũng không có ý định để cho vị thế hạt nhân quốc gia chịu sự quản lý của Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT) do đã rút khỏi thỏa thuận từ năm 2003 và Bình Nhưỡng đã thông qua luật phát triển năng lực răn đe hạt nhân.
Bà Choe cảnh báo Triều Tiên sẽ phản ứng cứng rắn trước bất kỳ động thái nào từ những nước thành viên nhóm G7 "xâm phạm chủ quyền và các lợi ích cơ bản" của Triều Tiên.
"Chúng tôi không cần tìm kiếm sự thừa nhận hay chấp thuận từ bất kỳ nước nào khác để phát triển sức mạnh đối trọng những mối đe dọa hạt nhân từ Mỹ", Ngoại trưởng Triều Tiên nói.
Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ duy trì các hành động cần thiết "dựa trên quyền hợp pháp của quốc gia có chủ quyền" cho đến khi Mỹ và đồng minh chấm dứt hoàn toàn mọi mối đe dọa quân sự, xóa bỏ "môi trường thù địch" đang kìm hãm sự phát triển và nền độc lập Triều Tiên.
Triều Tiên hôm 13/4 phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-18. KCNA cho hay Hwasong-18 là tên lửa mang động cơ nhiên liệu rắn đa tầng hiệu suất cao, trang bị công nghệ tách tầng và hệ thống điều khiển có độ tin cậy cao. Đây là lần đầu tiên Triều Tiên thử thành công ICBM sử dụng nhiên liệu rắn sau nhiều năm phát triển công nghệ.
Hải quân Mỹ, Nhật và Hàn Quốc hôm 17/4 triển khai lực lượng diễn tập phòng thủ tên lửa đạn đạo trên vùng biển quốc tế giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, nhằm "đối phó mối đe dọa từ Triều Tiên".
G7 gồm các nước Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Nhật Bản, Đức và Italy. Hội nghị ngoại trưởng ở Karuizawa tạo tiền đề cho hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo G7 tháng tới tại Hiroshima, nơi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida muốn giải trừ hạt nhân trở thành nội dung thảo luận chính.
Thanh Danh (Theo Yonhap, Reuters)