Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 6/8 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này cho rằng việc Đức tham gia Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc (UNC), lực lượng quân sự đa quốc gia tại Hàn Quốc, là động thái sẽ làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo.
"Mỹ đang tìm cách khôi phục chức năng của UNC, cơ quan lẽ ra phải bị xóa bỏ từ thế kỷ trước. Động thái này cho thấy Mỹ muốn biến UNC thành NATO phiên bản châu Á", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho hay.
Đức, đồng minh thân cận của Mỹ, tuần trước trở thành thành viên mới nhất của UNC. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết động thái gia nhập UNC là bằng chứng thể hiện niềm tin mạnh mẽ của Berlin rằng an ninh châu Âu có liên hệ chặt chẽ với an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định động thái này sẽ làm trầm trọng căng thẳng quân sự, chính trị trên bán đảo và phần còn lại của khu vực, thêm rằng Đức sẽ phải "chịu trách nhiệm hoàn toàn về hậu quả".
UNC là lực lượng quân sự đa quốc gia do Mỹ dẫn đầu, được thành lập ngày 24/7/1950, khi Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ.
UNC hiện giám sát hiệp định đình chiến kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Lực lượng này hiện diện ở Hàn Quốc vì về mặt lý thuyết, Hàn Quốc và Triều Tiên chưa ký hiệp ước hòa bình, vẫn trong tình trạng chiến tranh.
Đức là thành viên thứ 18 của UNC, bên cạnh một số quốc gia như Pháp, Anh, Canada, Australia, Philippines, Thái Lan... Hàn Quốc không phải là thành viên của UNC và đang nỗ lực gia nhập.
Đức chưa gia nhập Liên Hợp Quốc vào năm 1953, nhưng đã đề xuất triển khai một bệnh viện dã chiến ở Busan hai tháng trước khi Hàn - Triều ký hiệp định đình chiến.
Trong thời gian hoạt động từ năm 1954 đến 1959, gần 120 bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên tại bệnh viện dã chiến này đã điều trị cho gần 300.000 bệnh nhân, hỗ trợ hơn 6.000 ca sinh nở. Hàn Quốc năm 2018 công nhận Đức là "quốc gia hỗ trợ y tế" vì đóng góp này.
Đức Trung (Theo Reuters)