Iran thua Triều Tiên 1-4 ở lượt ba, qua đó đứng nhì bảng A với chín điểm và kém đối thủ ba điểm. Hai đội đều giành quyền dự vòng chung kết.
Nghi vấn Triều Tiên gian lận tuổi, Liên đoàn bóng đá Iran (FFIRI) đã gửi công văn lên AFC đề nghị điều tra. "Ngay cả nhìn bằng mắt thường, đặc điểm thể chất và cấu trúc cơ thể của một số cầu thủ Triều Tiên cho thấy họ trên 17 tuổi", công văn của Iran có đoạn. "AFC cần kiểm tra ngẫu nhiên trong các trận để duy trì uy tín của giải đấu".
FFIRI điểm tên sáu cầu thủ bị nghi ngờ gian lận tuổi, gồm hậu vệ Choe Chung-hyok, Choe Song-hun, Ri Kang-song, tiền vệ Han Il-bok, tiền đạo Kim Yu-jin và Ri Kang-rim.
AFC chưa có thông báo chính thức phản hồi kiến nghị của FFIRI.
FFIRI đánh giá việc gian lận tuổi ảnh hưởng tiêu cực đến cầu thủ trẻ về cả thể chất lẫn tinh thần. Bên cạnh đó, việc thi đấu với cầu thủ lớn hơn có nguy cơ chấn thương cao. Iran đề nghị AFC tiến hành quy trình đo xương tiêu chuẩn đối với các cầu thủ U17 để xác định tuổi thật.
Triều Tiên vốn chịu nhiều nghi hoặc về gian lận tuổi khi dự các giải trẻ châu Á và thế giới. Họ từng bị loại ở giải U16 châu Á 2008 vì dùng cầu thủ quá tuổi, cùng Tajikistan, Iraq, Campuchia, Macau, Bangladesh, Bhutan, Kyrgyzstan và Yemen.
Liên đoàn Thể dục dụng cụ Triều Tiên từng bị LĐTDDC thế giới (FIG) cấm hai năm từ 5/10/2010 đến 5/10/2012. Mức phạt được đưa ra sau khi FIG xác định VĐV Hong Su-jong sử dụng ba năm sinh khác nhau (1985, 1986 và 1989), khi dự các giải quốc tế từ năm 2003.
Xác định tuổi xương là phương pháp thông dụng để xác định tuổi trẻ em hoặc thanh thiếu niên trước 17 tuổi, sau đó sẽ khó tính toán hơn. Cách tính tuổi xương thường áp dụng là chụp X-quang xương tay hoặc chân và so sánh với Atlas tiêu chuẩn.
FIFA áp dụng chụp cộng hưởng từ (MRI) từ U17 World Cup 2009. Dựa vào nghiên cứu y học, FIFA cho biết mỗi xương ở cánh tay và chân đều có một sụn phát triển đầu xương. Khi quá trình phát triển hoàn tất (thường trong khoảng 17 đến 18 tuổi), thì sụn này sẽ biến mất trên các lần quét MRI. Tuy nhiên, cựu trưởng phòng Y khoa FIFA Jiri Dvorak cho biết vẫn có 1% sai số.
Bóng đá Triều Tiên trở lại đấu trường quốc tế từ 2023, sau ba năm đóng cửa vì Covid-19, và lập tức đạt nhiều thành công. Các đội nữ vô địch U20 World Cup 2024, rồi gặp Mỹ ở bán kết U17 World Cup 2024. Các đội nam giành vé dự vòng loại ba World Cup 2026, vòng chung kết U20 và U17 châu Á 2025.
Ngoài thắng Iran, Triều Tiên còn hạ Hong Kong 8-2, Syria 2-1 và chủ nhà Jordan 3-0 ở bảng A vòng loại U17 châu Á 2025. Vòng chung kết diễn ra từ ngày 3/4/2025 đến 20/4/2025. Triều Tiên thuộc nhóm hạt giống số bốn, cùng Indonesia, Oman và UAE. Nhóm ba có Afghanistan, Tajikistan, Trung Quốc và Việt Nam. Nhóm hai là Iran, Yemen, Australia và Thái Lan. Nhóm một có chủ nhà Arab Saudi, Nhật Bản, Hàn Quốc và Uzbekistan.
Trước đó, Triều Tiên có 11 lần dự vòng chung kết U16 và U17 châu Á. Đội hai lần vô địch (2010, 2014), hai lần về nhì (2004, 2006) và ba lần vào bán kết (1986, 1992, 2016). Triều Tiên cũng có năm lần dự FIFA U17 World Cup, năm 2005, 2007, 2011, 2015 và 2017.
Hiếu Lương