Những hình ảnh vệ tinh chụp khu vực nằm cách thủ đô Seoul, Hàn Quốc, khoảng 135 km về phía tây bắc cho thấy lối vào 7 cơ sở tên lửa và bệ phóng tên lửa bị che giấu bằng những tấm bạt ngụy trang, South China Morning Post dẫn một trong hai báo cáo của chương trình Beyond Parallel thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) hôm 12/11 cho biết.
Hình ảnh vệ tinh về căn cứ tên lửa Sakkanmol "tiếp tục cho thấy những thay đổi nhỏ ở các cơ sở hạ tầng phù hợp với những gì thường được nhìn thấy ở các căn cứ quân sự của Triều Tiên", báo cáo cho hay. "Tính đến tháng 11/2018, cơ sở đang hoạt động và được duy trì tốt theo các tiêu chuẩn của Triều Tiên".
Chương trình Beyond Parallel do Victor Cha, người từng là ứng viên đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, dẫn đầu.
"Sau khi nghiên cứu sâu rộng, bao gồm các cuộc phỏng vấn với những người đào tẩu và chính phủ Triều Tiên, các quan chức quốc phòng và tình báo trên khắp thế giới, nhiều vấn đề đã được giải quyết và dường như quân đội Triều Tiên hiện có khoảng 15-20 cơ sở tên lửa đang hoạt động", báo cáo thứ hai của CSIS nêu.
Beyond Parallel phân loại những căn cứ tên lửa Triều Tiên hoạt động thành các khu vực. Đầu tiên là những căn cứ nằm cách Khu Phi quân sự (DMZ) khoảng 50-90 km, đủ gần để tên lửa đưa 2/3 lãnh thổ phía bắc Hàn Quốc vào tầm ngắm nhưng cũng đủ xa để khiến các cơ sở này nằm ngoài tầm bắn của pháo binh tầm xa Hàn Quốc và Mỹ.
Khu vực thứ hai gồm những căn cứ nằm cách DMZ khoảng 150 km và có thể sẽ được trang bị các tên lửa Hwasong, có khả năng vươn tới lục địa Mỹ.
"Từ lâu chúng tôi đã biết Triều Tiên đang bắt đầu triển khai và thậm chí thử nghiệm tên lửa ở cấp đơn vị", Stephan Haggard, giáo sư nghiên cứu Triều Tiên -Thái Bình Dương tại Đại học California ở San Diego, nhận định. "Và tất nhiên không ai thực sự tin rằng Triều Tiên đã mất khả năng tên lửa căn bản. Đó là điều không tưởng. Điều duy nhất chúng tôi có vào lúc này là đóng băng thử nghiệm, song tất nhiên điều đó có thể bị đảo ngược một cách dễ dàng".
Triều Tiên đã yêu cầu "các biện pháp đồng bộ và theo giai đoạn" để giải trừ hạt nhân, đồng nghĩa với việc cộng đồng quốc tế sẽ từ từ nới lỏng hoặc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt tương ứng với từng bước trong quá trình phi hạt nhân hóa, thay vì đợi đến khi hoàn thành.
Sau cuộc gặp với Kim Jong-un hồi tháng 9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết lãnh đạo Triều Tiên muốn nhanh chóng giải trừ hạt nhân và "tập trung vào phát triển kinh tế càng sớm càng tốt".
"Những phát hiện mới nhất này không có khả năng khiến chính quyền Trump thay đổi chính sách đối với Triều Tiên nhưng đặt một số câu hỏi quan trọng", Paul Stares, chuyên gia cao cấp về phòng chống xung đột và giám đốc Trung tâm phòng ngừa tại New York, cho hay.