Ô nhiễm là một trong những lý do khiến người giàu Trung Quốc di cư. Ảnh: AFP |
Theo kết quả của "Báo cáo thường niên về di cư quốc tế của Trung Quốc năm 2012" được Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc công bố mới đây, các doanh nhân Trung Quốc có xu hướng di cư ra nước ngoài nhằm bảo vệ tài sản, tìm kiếm nền giáo dục tốt hơn cho con cái của mình và tận hưởng chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Trước hiện trạng trên, các phương tiện truyền thông nước này đã công bố các kết quả trong báo cáo đi kèm với lời cảnh báo từ các viện nghiên cứu cấp cao về những hệ quả tiềm tàng.
"Sự ra đi của họ sẽ là một mất mát to lớn đối với Trung Quốc", Wang Huiyao, một trong những tác giả của bản báo cáo chia sẻ với Nhật báo Thượng Hải. Ông cho rằng đây là hiện tượng "chảy máu chất xám quy mô lớn". Tân Hoa Xã nhận định nếu vấn đề di cư này vẫn tiếp diễn, thì khả năng "gây nhiều thiệt hại cho đất nước, cả về phương diện tài sản lẫn chất xám, và kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế nước nhà" rất dễ xảy ra.
Trong bài trả lời phỏng vấn với tờ Nhật báo Trung Quốc, một phụ nữ 31 tuổi đã có gia đình nói: "Tôi bàn bạc kế hoạch với chồng và cả hai nhận ra rằng nếu muốn con cái được hưởng nền giáo dục và môi trường sống tốt hơn, với nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp thì nhập cư là giải pháp tốt nhất".
Năm ngoái, báo cáo chung của Ngân hàng Trung Quốc và Hurun (nhà xuất bản danh sách những người giàu của Trung Quốc) công bố có trên một nửa số triệu phú của nước này đang xem xét hoặc tìm cách để định cư ở quốc gia khác. Một nghiên cứu trước đó của Ngân hàng Trung tín cũng chỉ ra khoảng 60% người dân Trung Quốc với tài sản tối thiểu 1,6 triệu USD có ý định "đầu tư nhập cư".
Rupert Hoogewerf, người sáng lập Hurun, cho biết: "Đây là chủ đề rất nhạy cảm về góc độ chính trị, bởi dường như tầng lớp thượng lưu của Trung Quốc không có niềm tin vào tương lai chính trị và kinh tế của đất nước". Theo ông, nguyên nhân đằng sau xu hướng này là các vấn đề đang tồn tại như giáo dục, ô nhiễm và an toàn thực phẩm,...
Nhưng Hoogewerf cũng cho rằng, nhiều người di cư chỉ đơn giản muốn tìm kiếm hộ khẩu thường trú ở nước ngoài hơn là bằng lòng với mỗi một tấm hộ chiếu Trung Quốc.
"Nếu ngay cả nguồn vốn cũng đi theo xu hướng này, thì Trung Quốc nguy cơ đánh mất 50% vốn quốc gia. Nhưng thực tế chưa đáng lo đến mức ấy bởi hầu hết các doanh nhân tôi biết đều không muốn từ bỏ Trung Quốc. Họ lớn lên ở đây và không quay lưng lại với quê hương trong thời gian này", Rupert chia sẻ.
"Nhiều người có quan điểm tìm kiếm 'phương án B', phòng trường hợp rủi ro, thay đổi nền kinh tế hay chính trị", Rupert lấy quan điểm của người Anh không bao giờ mạo hiểm tất cả với một lựa chọn duy nhất để giải thích cho xu hướng trên của những triệu phú Trung Quốc ngày nay.
Phương Linh