Giờ đây, khi đã 37 tuổi, anh là người sáng lập kiêm ông chủ Blippar – công ty làm ứng dụng di động được định giá 1,5 tỷ USD. Tài sản anh sở hữu cũng lên tới hàng triệu USD. Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi Ambarish mô tả cuộc đời mình "như một chuyến phiêu lưu".
Sinh ra trong một gia đình trung lưu tại thị trấn nhỏ Dhanbad ở bang Jharkhand, miền đông Ấn Độ, Ambarish đã quyết định bỏ nhà đi sau khi thi trượt ở trường. Anh không hài lòng khi cha mình muốn con trai học kỹ sư, trong khi anh chỉ muốn làm việc với máy tính.
Sau nhiều tuần lên kế hoạch, anh viết một lá thư cho cha mẹ để thông báo về việc này. Sau đó, Ambarish đóng gói đồ đạc và ra đi. "Tôi đã viết ‘Con sẽ lên Mumbai’. Đây là câu thoại nổi tiếng trong các bộ phim thời đó. Đúng là rất ngây thơ", Ambarish cho biết.
Nhưng thay vì đến Mumbai, Ambarish lại tới New Delhi và sống trong một khu ổ chuột ở phía tây nam thủ đô. Anh phải ở trong một căn nhà làm từ đất sét, không có khu vệ sinh, và ngủ trên sàn nhà cùng 6 người khác. Ambarish phải làm cùng lúc 2 công việc để kiếm sống - bán tạp chí và làm việc trong nhà hàng.
Một lần, anh nhìn thấy một mẩu quảng cáo về giải thưởng 10.000 USD cho ý tưởng kinh doanh. Khi đó, Ambarish nghĩ đến việc cung cấp Internet miễn phí cho phụ nữ có thu nhập thấp. Và anh đã chiến thắng.
Ambarish khi ấy mới 16 tuổi. Anh đã sớm nhận ra sự khác biệt giữa những phụ nữ mạnh mẽ trong gia đình mình và văn hóa Ấn Độ nói chung.
Vì thế, với số tiền thưởng giành được, anh thành lập Women Infoline. Họ là lấy tiền thu được từ quảng cáo để cung cấp Internet miễn phí.
Thời kỳ đỉnh cao, Ambarish có tới 125 người làm việc cho mình. Nhưng anh cho biết khi ấy, mình "không phải là lãnh đạo tốt". Rồi Ambarish làm IPO cho công ty, và từ chức năm 2000.
Sau khi có được ít vốn từ Women Infoline và làm lành với gia đình, Ambarish chuyển đến Anh. Anh muốn mở hãng công nghệ tại đây. Nhưng việc kinh doanh khá chật vật.
"Từ năm 2001 đến 2010, tất cả mọi thứ tôi làm đều là một thảm họa. Ý tưởng nào cũng rất tuyệt, nhưng tôi không thể thực hiện được và đều trắng tay", anh nói.
Sau đó, anh làm việc cho một công ty bảo hiểm, ở vị trí thấp nhất. Nhưng công việc khá nhàm chán, khiến Ambarish bắt đầu dễ nổi cáu và nghiện rượu nặng.
Mọi chuyện chỉ thay đổi khi một buổi chiều, anh đến quán rượu quen ở Surrey, phía Nam London. "Khi ấy, tôi đang uống rượu với một người bạn - Omar (sau này là đồng sáng lập Blippar)… Tôi đặt tờ tiền lên bàn và nói đùa ‘Tưởng tượng Nữ hoàng Elizabeth nhảy khỏi tờ tiền này thì sao nhỉ?’. Nó chỉ là câu đùa ngớ ngẩn thôi", anh nhớ lại.
Nhưng sau đó, Omar đã viết một ứng dụng chèn ảnh mặt bạn mình lên nữ hoàng trên tờ tiền. Việc này đã giúp Ambarish nảy ra ý tưởng phát triển một ứng dụng mà "khi soi vào mọi thứ trên thế giới, mình có thể đè nội dung của mình lên".
Và thế là ứng dụng thực tế ảo - Blippar ra đời năm 2011. Sử dụng camera của điện thoai, nó sẽ chèn đè hình ảnh hoạt họa lên mọi vật xung quanh. Ví dụ, nếu chĩa điện thoại vào một lon Coca-Cola, nó có thể biến thành một chiếc máy hát cho phép bạn chơi nhạc. Đến nay, Blippar đã có hơn 65 triệu người dùng tại 170 quốc gia.
Ứng dụng này phát triển rất nhanh, hiện có văn phòng tại 12 địa điểm trên thế giới. Trong đó có London, New York, San Francisco, Delhi và Singapore.
Ambarish cho biết tốc độ tăng trưởng cao cũng là một thách thức, nhất là khâu tuyển dụng. Còn việc huy động vốn lại khá dễ dàng. Công ty hiện có hơn 300 nhân viên, đã huy động được 99 triệu USD vốn. Trong đó có 54 triệu USD từ quỹ đầu tư của Chính phủ Malaysia đầu năm nay.
Blippar kiếm tiền bằng cách hợp tác với nhiều thương hiệu, như hãng xuất bản Conde Nast, hãng xe Jaguar, công ty sản xuất hàng tiêu dùng Unilever hay hãng bánh kẹo Nestle. Họ sẽ thêm nhiều nội dung vào ứng dụng, thay vì chỉ cho biết sản phẩm này là gì.
Ứng dụng hiện được sử dụng bởi 67.000 trường học trên khắp thế giới, trong đó có Mỹ, Anh, Ấn Độ và Canada.
Chris Green - một nhà phân tích công nghệ cho biết một phần lý do Blippar được ưa chuộng là nó không cần phần cứng chuyên dụng. Người dùng chỉ cần mỗi chiếc smartphone mà thôi. "Thời điểm tung ra và khả năng tận dụng các công nghệ sẵn có là chìa khóa thành công cho Blippar, thay vì cần phần cứng đặc biệt, như Google Glass", ông cho biết.
Trong tương lai, Ambarish muốn ứng dụng này có khả năng nhận diện mọi thứ trên thế giới. Một trong những mục tiêu của anh là dùng Blippar để giáo dục và hỗ trợ những người không biết chữ. Ví dụ như cung cấp hướng dẫn đi tàu bằng audio.
Ambarish gần đây đã quay về Delhi để thăm bạn bè. Anh cho biết khi nhớ lại cảm giác bỏ nhà lúc còn trẻ, anh cảm thấy "nếu khi ấy vẫn có thể tồn tại, thì mình hoàn toàn có khả năng sống sót qua mọi thứ".
"Tôi rất hào hứng với cuộc phiêu lưu này. Và rất hạnh phúc khi còn sống sót", anh nói.
Hà Thu (theo BBC)