Năm 2014, 30 triệu xe bị triệu hồi trên toàn cầu, 124 người chết, nộp phạt 900 triệu USD là những con số mà GM gây ra do lỗi công tắc đánh lửa từ chục năm trước đó.
Từ 2013 tới nay, 100 triệu xe bị triều hồi toàn cầu, 26 người chết, hơn 300 người bị thương, tạo nên vụ triều hồi lớn nhất lịch sử ngành ôtô liên quan tới túi khí Takata. Hãng túi khí Nhật phải nộp đơn phá sản.
Những thương vong, khiếm khuyết sản phẩm là tin xấu. Nhưng những nỗ lực của gia đình nạn nhân, các luật sư, cơ quan giám sát an toàn giao thông, chất lượng phương tiện ở mỗi nước... và chính các hãng xe, để tiến tới những vụ triệu hồi, quy mô nhỏ hay lớn, đều là tin tốt, cho những khách hàng may mắn chưa chịu thiệt thòi.
Nếu GM không triệu hồi, số người chết có thể không dừng ở 124. Tương tự vậy, Takata không chịu trách nhiệm về sản phẩm, có thể đã hơn 26 người thiệt mạng.
Vậy khi nào thì một hãng cần triệu hồi sản phẩm? Đó là khi hãng xe hoặc cơ quan hữu trách phát hiện ra xe có một chi tiết nào đó về cả phần cứng, phần mềm có thể dẫn tới một rủi ro hoặc không đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu về an toàn, theo giải thích của Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ.
Sau khi được phê duyệt chương trình triệu hồi, hãng có trách nhiệm thông báo cho khách hàng đưa xe tới đại lý để kiểm tra. Các biện pháp khắc phục trong một chương trình triệu hồi thường là sửa lỗi, thay thế phần mềm, phần cứng nếu có thể. Nặng nề hơn là hãng phải hoàn tiền cho khách, và rất hiếm là hãng phải mua lại xe của khách. Nếu cần sửa chữa, thay thế, chi phí đều do hãng chịu.
"Lỗi liên quan tới an toàn" có nhiều cấp độ, từ mức "tiềm tàng" tới khả năng xảy ra mất an toàn ngay khi sử dụng.
Ở mức tiềm tàng, ví dụ Rolls-Royce mới đây triệu hồi xe Cullinan do đèn phanh không đủ độ sáng, có thể gây tai nạn cho xe khác do giảm tầm nhìn. Nissan cũng triệu hồi hơn 1,2 triệu xe do camera lùi bị ghi nhớ thiết lập cũ, không hiển thị hình ảnh khi cài số lùi. Những lỗi này, đều chưa ghi nhận tai nạn nào liên quan.
Ở mức lộ rõ nguy hiểm hơn, ví dụ Mazda triệu hồi Mazda3 vì lỗi có thể long bánh khi đang chạy, hay trước đây là lỗi cá vàng có thể khiến xe chết máy. Những lỗi này, đều có thể dẫn tới ngay một tai nạn, rủi ro thấy rõ. Lên cấp độ cao nhất như túi khí Takata hay công tắc đánh lửa của GM, đều là những lỗi đã gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Dưới góc độ người đang sở hữu xe trong diện triệu hồi nhưng chưa gặp tai nạn, thì "thư mời triệu hồi" là một tin tốt, bởi lỗi sẽ được sửa trước khi bạn đối mặt. Ngày càng có nhiều vụ triệu hồi, bởi nhiều lý do, trong đó có hai lý do chính là hệ thống cung cấp linh kiện (mạng lưới công nghiệp hỗ trợ) và hệ thống kiểm tra của hãng cũng như các cơ quan có thẩm quyền ngày càng chặt chẽ.
Các hãng để đạt quy mô lớn, tiết kiệm chi phí thường chia sẻ cùng nhau nhiều nhà cung ứng. Ví dụ túi khí Takata cung cấp cho hầu hết các hãng ôtô lớn trên thế giới. Bởi vậy, khi Takata gặp lỗi, đồng nghĩa các hãng xe cũng phải kéo theo một chương trình "chịu trách nhiệm", mà rõ ràng nhất, là triệu hồi.
Việc sản xuất số lượng lớn cho nhiều thị trường, ở các quy chuẩn chất lượng khác nhau cũng là rủi ro dẫn tới triệu hồi. Ví dụ hệ thống phun xăng cho một động cơ đạt Euro 6 có thể không gặp trục trặc, nhưng nếu đưa động cơ đó sang thị trường khác có chất lượng xăng kém hơn, có thể sẽ xảy ra hiện tượng báo lỗi. Đây là vấn đề mà nhiều hãng gặp nên cần phát triển xe để phù hợp với mỗi thị trường.
Với khách hàng, việc quan trọng hơn cả là đánh giá đúng về tầm ảnh hưởng của mỗi chương trình triệu hồi. Đại diện nhiều hãng xe ở Việt Nam cho biết, nhiều khách hỏi rất nhiều khi nghe tin xe gặp lỗi trên truyền thông, nhưng tới khi hãng triệu hồi thì một thời gian sau vẫn chưa mang xe đi sửa.
"Bạn có thể tốn vài tiếng đồng hồ để khắc phục, nhưng sẽ có thêm rất nhiều tiếng yên tâm ở trên đường", một giám đốc dịch vụ chia sẻ.
Hoàng Anh