Con rể bà, Rich Lamanno, kể lại: "Bà ấy ngủ rất nhiều, cực kỳ kiệt sức trong vòng một tháng". Người phụ nữ ngoài 80 tuổi cũng buồn nôn, tiêu chảy kèm ho nhẹ. Bà chủ yếu dùng Tylenol, thuốc giảm đau hạ sốt và Gatorade, thuốc điện giải. Vài ngày sau, chồng bà, Eugene Bily, 90 tuổi, bắt đầu ho và mệt mỏi.
Nếu cả gia đình không tụ tập, không ai nghĩ hai ông bà mắc Covid-19. Những người trẻ hơn nghi ngờ họ bị cúm hoặc đơn giản là biểu hiện tuổi già. "Những triệu chứng chúng tôi nghe được trên TV là ‘sốt cao, không thở được', và biểu hiện y hệt", ông Lamanno nhớ lại.
Trước đó, vào đầu tháng, gia đình Bily tập trung tại nhà hàng ở Long Island để tổ chức sinh nhật cho cháu gái. Nhiều khách đến chơi, sau đó phát hiện nhiễm nCoV, trong đó có cả Lamanno và vợ.
Khi các triệu chứng lan rộng, bác sĩ phỏng đoán ông bà Bily có thể đã mắc Covid-19. Ở thời điểm đó, các bộ kit còn khan hiếm, họ không được xét nghiệm nCoV. Cả gia đình cũng không muốn đưa cha mẹ già đến một bệnh viện địa phương đông đúc. Tuy nhiên, xét nghiệm kháng thể sau đó xác nhận cả Eugene và Rosemary Bily đã nhiễm nCoV, song đã tự khỏi trước khi bất cứ loại vaccine nào được phê duyệt.
Người trên 65 tuổi, dễ mắc Covid-19, được tiêm chủng sớm nhất cả nước. Đây cũng là nhóm có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất - hơn 80% đã nhận đủ hai liều. Song khi số ca nhiễm gia tăng, tỷ lệ nhập viện cao ở người lớn tuổi. Nghiên cứu quy mô lớn trên Journals of Gerontology (Tạp chí Lão khoa) cảnh báo: "Triệu chứng Covid-19 có thể khác biệt ở người già".
"Thông thường, mọi người hay bị ho, sốt, khó thở", Allison Marziliano, chuyên gia tâm lý xã hội và sức khỏe tại Viện Nghiên cứu Y khoa Feinstein, tác giả chính của nghiên cứu, nhận định.
Nhưng khi xem xét hồ sơ sức khỏe điện tử của gần 5.000 người trên 65 tuổi, tất cả nhập viện vì Covid-19 vào tháng 3 và tháng 4 năm ngoái, các chuyên gia phát hiện một phần ba trong đó có triệu chứng khác thường, hiếm xuất hiện.
Khoảng một phần tư bệnh nhân lớn tuổi bị suy nhược chức năng. Tiến sĩ Marziliano giải thích: "Họ dễ ngã, mệt mỏi, suy nhược, khó đi lại hoặc rời giường".
11% chịu ảnh hưởng tâm thần như lú lẫn, kích động, hay quên hoặc thiếu năng lượng. Một nửa bệnh nhân trong nhóm có triệu chứng không điển hình vẫn gặp các vấn đề cơ bản khi mắc Covid-19 như sốt, ho, khó thở.
"Bác sĩ lâm sàng, người cao tuổi và người chăm sóc họ đều nên biết: Nếu gặp một số triệu chứng không phổ biến, họ vẫn có thể mắc Covid-19", tiến sĩ Marziliano nói.
Tỷ lệ biểu hiện khác thường tăng đáng kể theo độ tuổi. Nó ảnh hưởng đến 31% người từ 65 đến 74 tuổi, song tác động tới hơn 44% người trên 85 tuổi. Các triệu chứng cũng phổ biến ở phụ nữ, những người da đen (không phải gốc Tây Ban Nha) và người mắc bệnh mạn tính, chẳng hạn tiểu đường hoặc sa sút trí tuệ.
Người gặp biểu hiện không điển hình ít có vấn đề hô hấp, khả năng phải thở máy hoặc vào khu hồi sức tích cực thấp hơn. Song tất cả đều nằm viện tới 10 ngày, khoảng một phần ba trong mỗi nhóm tử vong.
"Họ phải nằm viện lâu. Tỷ lệ tử vong cũng cao. Vì vậy không nên ngó lơ các triệu chứng này", tiến sĩ Marziliano nhận định.
Nghiên cứu mới tương đồng với các công trình trước đó, quy mô nhỏ hơn, được thực hiện trong giai đoạn sớm của đại dịch ở Mỹ và châu Âu. Nghiên cứu của Đại học Brown, tại một viện dưỡng lão ở thành phố Providence hồi tháng 12/2020, cho thấy triệu chứng phổ biến ở người cao tuổi là chán ăn, kiệt sức, tiêu chảy và mệt mỏi.
Tiến sĩ Maria Carney, bác sĩ lão khoa, đồng tác giả với tiến sĩ Marziliano, cho biết: "Chúng tôi không ngạc nhiên vì kết quả này. Người cao tuổi không phải lúc nào cũng biểu hiện như các bệnh nhân trưởng thành khác. Họ có thể không sốt. Sự trao đổi chất của họ diễn ra khác".
Ví dụ, bệnh nhân tiểu đường trẻ tuổi thường đổ mồ hôi và tim đập nhanh nếu lượng đường trong máu giảm. Trong khi đó, người già có thể ngất đột ngột, không có dấu hiệu báo trước. Người cao tuổi bị trầm cảm có thể chán ăn, mất ngủ, nhưng đôi khi không cảm thấy buồn.
Tiến sĩ Carney lấy ví dụ về một bệnh nhân 80 tuổi, nhập viện tháng 5/2020. "Bà ấy không sốt, nhưng cơ thể không được bình thường", tiến sĩ nhớ lại. Bà được bác sĩ địa phương chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu và kê đơn kháng sinh. Song 5 ngày sau, tình trạng của bà tệ hơn. "Bà ấy cần xét nghiệm Covid-19", tiến sĩ Carney khuyên gia đình.
Người bệnh Covid-19 cao tuổi được chẩn đoán sớm sẽ cho ra kết quả rất khác. "Hiện tại, chúng tôi có rất nhiều phương pháp so với làn sóng đầu tiên. Chúng tôi hiểu căn bệnh rõ hơn, nhiều cách điều trị, hiệu quả cao hơn", tiến sĩ Eleftherios Mylonakis, tác giả nghiên cứu tại viện dưỡng lão Providence, cho biết.
Bác sĩ thường sử dụng thuốc chống đông máu và kháng thể đơn dòng giúp tăng cường miễn dịch. Tuy nhiên, tiến sĩ Mylonakis nói thêm: "Điều quan trọng là bắt đầu điều trị sớm, với bất cứ phương pháp nào".
Theo bà, hiểu rằng các biểu hiện mơ hồ như suy nhược sức khỏe, lú lẫn hoặc chán ăn cũng có thể là triệu chứng triệu chứng sẽ giúp bảo vệ gia đình, bạn bè.
"Nó không chỉ hữu ích với cá nhân mà còn ngăn chặn sự lây lan của virus", tiến sĩ Mylonakis cho biết.
Chẩn đoán sớm Covid-19 cũng giúp bệnh nhân tránh được các xét nghiệm và thủ thuật không cần thiết như chọc dò, sinh thiết hoặc chụp CT, theo tiến sĩ Carney. Chụp CT thường rất tốn kém, nặng nề và mất thời gian. Xét nghiệm Covid-19 nhanh chóng, rẻ tiền và được triển khai rộng rãi.
Với chương trình tiêm chủng đại trà, các triệu chứng Covid-19 ở người cao tuổi khó phát hiện hơn. Tiến sĩ Carney chỉ ra rằng người bị ho, khó thở sẽ nhanh chóng được đưa vào phòng cấp cứu. Trong khi "chúng ta không mấy để ý xem ai đó có bỏ ăn hay không", bà nói.
Bà khuyến nghị người lớn tuổi và gia đình họ cảnh giác với những thay đổi dù là thoáng qua, xảy ra trong vài ngày. "Sự thay đổi hành vi, thể chất hoặc nhận thức có thể không giống với biểu hiện nhiễm virus, song hãy đặt Covid-19 lên đầu danh sách nghi ngờ", bà nói.
Hai ông bà Bilys đã vượt qua Covid-19, hiện vẫn sống trong ngôi nhà ở thành phố Oceanside. Ông Bily gặp nhiều vấn đề sức khỏe ngay cả trước đại dịch. 18 tháng qua, ông phải phẫu thuật hông hai lần, nhập viện vài lần khác. Tháng 6, ông bắt đầu được chăm sóc tại gia.
Bà Rosemary Bily hồi phục hoàn toàn sau nhiễm nCoV. Ở tuổi 86, cụ bà vẫn lái xe đến siêu thị và hiệu thuốc, ghé tiệm làm tóc hàng tuần, liên lạc với gia đình qua iPad và giúp chăm sóc các cháu gái.
"Bà ấy đang làm rất tốt. Bà đã trở lại cuộc sống thường nhật", con rể bà, Lamanno, nói.
Thục Linh (Theo NY Times)