Biến thể Delta được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ, có khả năng lây truyền nhanh hơn, đã lan đến 74 quốc gia. Chủng Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn 60% so với biến thể Alpha từ Anh. Đột biến trong gene phần nào giúp nó lẩn tránh hệ miễn dịch.
Tuy nhiên, số mẫu virus được giải trình tự gene ở Ấn Độ không đủ để khẳng định các tình trạng bất thường trên là do biến thể hay Covid-19 nói chung gây ra. Covid-19 vốn có liên quan đến các triệu chứng bất thường như tiêu chảy và các vấn đề về tuần hoàn máu.
Tiến sĩ Ganesh Manudhane, chuyên gia tim mạch tại Bệnh viện Seven Hills ở Mumbai, kể rằng mỗi năm, ông chỉ gặp khoảng 4 bệnh nhân có cục máu đông gây hoại thư (một phần mô cơ thể chết do không được cung cấp máu). Giờ đây, mỗi tuần có một người mắc bệnh này.
"Tôi nghi ngờ biến thể Delta là thủ phạm", Manudhane nói. Tuy nhiên, đó mới chỉ là giả thuyết vì ông chưa phân tích gene các mẫu virus.
Tiến sĩ Abdul Ghafur, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Apollo ở Chennai, chứng kiến nhiều bệnh nhân Covid-19 bị tiêu chảy hơn so với đợt dịch đầu tiên vào năm 2020. Song, "tất cả suy luận của bác sĩ địa phương đều dựa trên kinh nghiệm thay vì dữ liệu", ông Ghafur nói.
Ngoài các triệu chứng nặng như đau dạ dày, buồn nôn, chán ăn, mất thính giác, hoại thư, các bác sĩ Ấn Độ tin rằng bệnh nấm đen, biến chứng xảy ra vài tuần sau khi nhiễm virus, có liên quan đến biến thể Delta.
Hôm 14/6, tiến sĩ Harsh Vardhan, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ, cho biết, hơn 28.000 trường hợp mắc bệnh nấm đen là ở những người bị suy giảm miễn dịch hoặc bị tiểu đường. Trong số này, 86% người từng mắc Covid-19. David Denning, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Manchester, nhận xét: "Có khả năng biến thể gây nhiều rối loạn tại niêm mạc mũi hoặc phổi, từ đó tạo điều kiện cho nấm xâm nhập dễ dàng hơn".
Mặc khác, ông Ghafur nhận định biến thể Delta rất có thể là nguyên nhân làm gia tăng các ca bệnh nấm đen. "Ấn Độ có tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường cao trên thế giới và steroid - loại thuốc gây ức chế hệ miễn dịch – được sử dụng tràn lan trong làn sóng dịch đầu tiên". Hai yếu tố này kết hợp khiến hệ miễn dịch suy giảm, tạo điều kiện cho nấm đen tấn công dễ dàng hơn.
Theo tiến sĩ Shailesh Kothalkar, bác sĩ phẫu thuật tai, mũi và họng tại Bệnh viện Seven Star ở phía tây thành phố Nagpur, biến thể Delta ảnh hưởng tới tế bào beta trong tuyến tụy, nơi sản xuất insulin và điều chỉnh đường huyết. Ông nói: "Chúng tôi cần tìm hiểu thêm về vấn đề này nhưng khoảng 40% bệnh nhân địa phương bắt đầu mắc bệnh tiểu đường sau khi nhiễm nCoV trong đợt dịch thứ hai này".
Không rõ bao nhiêu người Ấn Độ nhiễm biến thể Delta (hay còn gọi là B.1.617.2). Ấn Độ không giải trình tự gene của tất cả mẫu virus. Vào tháng 4, chỉ 0,75% tổng số mẫu tại nước này được phân tích, theo một báo cáo đăng trên tạp chí Nature. Đến nay, quốc gia Nam Á này ghi nhận gần 30 triệu ca Covid-19 và 374.000 người tử vong.
Thiếu dữ liệu đang cản trở các bác sĩ tìm hiểu sâu về biến thể này. Ông Ghafur nói: "Dù Ấn Độ có số bệnh nhân Covid-19 cao thứ hai thế giới, Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ - viện nghiên cứu hàng đầu quốc gia - không thực hiện nghiên cứu nào có giá trị".
Theo Anurag Agarwal, Giám đốc Viện Gene và Tích hợp Sinh học ở Delhi, mối liên hệ giữa biến thể Delta và các triệu chứng bất thường kể trên không rõ ràng. Ông Agarwal cho rằng các triệu chứng xuất hiện nhiều hơn có thể do số ca Covid-19 ở Ấn Độ tăng lên, không chỉ riêng biến thể Delta.
Neil Ferguson, Giám đốc Trung tâm Phân tích Bệnh Truyền nhiễm Toàn cầu tại Đại học Hoàng gia London, giải thích tại một cuộc họp báo ở Anh, hôm 9/6: " Khi một số lượng lớn người nhiễm nCoV, các triệu chứng hiếm gặp, không điển hình đối với Covid-19, sẽ xuất hiện nhiều hơn".
Trong cùng buổi họp, tiến sĩ Jeffery Barrett, Giám đốc Sáng kiến gene Covid-19 tại Viện Wellcome Sanger, cho biết, Anh giải trình tự 20.000 mẫu gene virus mỗi tuần. Trong khi đó, INSACOG - nhóm các phòng nghiên cứu làm nhiệm vụ giải trình tự gene tại Ấn Độ - chỉ xử lý hơn 10.000 mẫu kể từ khi được thành lập vào tháng 12. Theo ông Barrett, không có dữ liệu cho thấy Delta gây ra triệu chứng bất thường hơn so với những biến thể khác.
Mai Dung (Theo Insider)