Vì hoàn cảnh gia đình, đã mổ đẻ hai lần và có ba con, lần này chị Lê không thể giữ lại thai nhi.
Trước đó, tháng 2/2016 trước khi mổ đẻ con thứ ba tại khoa Sản, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), gia đình đã ký giấy triệt sản cho sản phụ. Bác sĩ Nguyễn Dư Dậu là người thực hiện ca mổ đẻ kết hợp triệt sản này.
Cuối tháng 11 chị Lê rất bất ngờ khi biết lại có thai. Chị trao đổi với bác sĩ đã mổ đẻ cho mình thì "bác sĩ nói đã triệt sản và xác suất một nghìn người thì một người có thai lại”. Tìm lại hồ sơ bệnh án do bác sĩ Dậu ký, chị Lê không thấy thông tin về việc được triệt sản. Tuy nhiên, điều khiến gia đình bức xúc hơn chính là thái độ của bác sĩ. Theo gia đình, bác sĩ đã không hỏi thăm sức khỏe, an ủi bệnh nhân mà có thái độ vô cảm, thách thức.
Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho biết đã yêu cầu bác sĩ Dậu và khoa Sản báo cáo, giải trình cụ thể sự việc.
Theo các bác sĩ, không phương pháp ngừa thai nào an toàn tuyệt đối 100%, kể cả triệt sản. Các thống kê cho thấy có khoảng 1-5% trường hợp triệt sản ở nam thất bại. Nguyên nhân có thể hai đầu cột ở ống dẫn tinh lâu ngày bị hoại tử bung ra và tinh trùng sẽ đi qua được hai đầu ống.
Triệt sản ở nữ cũng không phải là biện pháp tránh thai an toàn 100%. Nghiên cứu ở một số nước cho thấy tỷ lệ phụ nữ có thai sau khi triệt sản đến 2,8%. Nguyên nhân có thể do kỹ thuật của bác sĩ khi cột ống dẫn trứng siết không chặt; hoặc cột nhầm dây chằng tròn nằm phía sau ống dẫn trứng và giống ống dẫn trứng. Ngoài ra nguyên nhân đôi khi ở cơ địa người phụ nữ, bởi sau một thời gian đã được cột - cắt ống dẫn trứng thì chúng có thể tự nối lại.
Hà An
* Tên nhân vật đã được thay đổi.