Francesca Sweet, Giám đốc dòng sản phẩm iPhone, và Jon McCormack, Phó chủ tịch phụ trách kỹ thuật phần mềm máy ảnh, chia sẻ trên Petapixel về tầm nhìn và triết lý thiết kế camera tại Apple.
Triết lý thiết kế
Theo McCormack, để có một bức ảnh đẹp, độc đáo như của nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, các kỹ sư cần quan tâm tới thông số kỹ thuật và quá trình chỉnh sửa hậu kỳ. Tuy nhiên, Apple muốn loại bỏ hết các vấn đề trên, thay chúng bằng một nút chạm. Hãng mong muốn mang tới cho người dùng trải nghiệm chụp ảnh chân thực, thỏa thích lưu lại mọi khoảnh khắc mà không cần quan tâm tới bất cứ điều gì khác.
McCormack nói: "Các nhiếp ảnh gia làm gì, chúng tôi sẽ làm giống như vậy. Có hai điều cần lưu tâm khi chụp: độ phơi sáng và cách căn chỉnh ảnh. Chúng tôi áp dụng kỹ thuật phơi sáng tự động nhằm biến các tấm ảnh trở nên chân thực nhất có thể".
Apple thực hiện điều này bằng cách sử dụng máy học, chia nhỏ các phần trong một khung hình. "Hậu cảnh, tiền cảnh, mắt, môi, tóc, da, quần áo, bầu trời đều được xử lý độc lập như nhiếp ảnh gia thường làm trong Lightroom. Chúng tôi điều chỉnh mọi thứ từ độ tương phản, độ phơi sáng, độ bão hòa... rồi ghép chúng lại với nhau", McCormack cho biết.
Về công nghệ Smart HDR, ông lý giải: "Bầu trời khó chụp giống thật. Tuy nhiên, Smart HDR 3 cho phép phân mảnh hình ảnh, xử lý riêng biệt rồi lại ghép chúng lại để tạo nên hình ảnh trung thực". Trong khi đó, Francesca Sweet bổ sung thêm lợi ích Smart HDR với việc chụp ảnh trong các điều kiện ánh sáng khác nhau, đặc biệt là chế độ chụp ban đêm của dòng Pro Max. Cả hai nhấn mạnh việc tái tạo tính chân thực hình ảnh - mục tiêu quan trọng của Apple nói riêng và các công ty sản xuất điện thoại khác nói chung.
Apple ProRAW
Tính năng lưu trữ các file ảnh RAW sắp được triển khai trên iPhone là chủ đề được nhắc đến nhiều thời gian qua. Khi chụp, các nhiếp ảnh gia thường phải chọn giữa file RAW hoặc file ảnh đã chỉnh sửa tự động. Câu hỏi Apple đặt ra là tại sao họ không thể có cả hai.
Có thể hiểu rằng ProRAW không chỉ lưu trữ các tấm ảnh gốc không nén, nó còn lưu thêm những tấm ảnh đã được thuật toán "chỉnh sửa". Điều này cho phép người dùng toàn quyền tinh chỉnh các bức ảnh của mình ngay trên điện thoại.
Cảm biến mới
Khi được hỏi về lý do tại sao phải tới thế hệ iPhone 12, Apple mới nâng cấp cảm biến cho máy ảnh, McCormack cho biết Apple không chỉ chú trọng đến phát triển phần cứng của camera, họ còn tập trung nhiều hơn về phần mềm và các công cụ hỗ trợ quá trình chỉnh sửa ảnh.
Ví dụ, để khử nhiễu, Apple có thể nâng cấp cảm biến lớn hơn, nhưng họ lại chọn cách phát triển công nghệ Deep Fusion để xử lý hình ảnh trước khi quyết định thay đổi các bộ phận vật lý.
Ngoài ra, ông nhấn mạnh Apple luôn muốn tối ưu hóa và phát triển hệ thống có sẵn nhằm đưa ra trải nghiệm chụp ảnh tốt nhất cho người dùng, thay vì liên tục nâng cấp và thay đổi phần cứng trong máy.
"Mục tiêu không phải là có một cảm biến lớn hơn để khoe khoang. Mục tiêu là làm thế nào có thể chụp được những bức ảnh đẹp hơn trong nhiều điều kiện hơn. Suy nghĩ này đã mang đến Fusion, Night Mode và xử lý tín hiệu hình ảnh theo thời gian", ông nói.
Đức Anh (theo Petapixel)