Minh Long gần 10 năm tìm lối nhân hóa tượng rắn thành thiếu nữ đài các, mong cởi
bỏ ác cảm với loài vật, gửi góc nhìn đa chiều về thế giới
cùng lời chúc năm mới sung túc.
“Bài toán khó nhất trong gần thập niên qua”, ông Lý Huy Sáng, Tổng giám đốc công ty Minh Long nói khi trên tay cầm ba bức tượng rắn sứ - linh vật của năm 2025. Khó, bởi rắn mang định kiến là loài vật hung dữ. Còn tượng linh vật mang ý nghĩa lời chúc năm mới, ông Sáng mong cảm xúc mang đến phải tích cực, mến yêu. Để giải bài toán này, ông dành nhiều năm tìm kiếm hình ảnh loài rắn mang nét hiền lành cùng thủ pháp nhân cách hóa, phác nên ba bức tượng: Bảo Kim, Phúc Thái, Bảo Hợp Thái Hòa.
Như đào nở báo xuân về, mỗi dịp cuối năm Minh Long đều tung ra bộ sưu tập linh vật, lấy cảm hứng từ các con giáp đại diện. Năm 2025 là Ất Tỵ - tức con rắn.
Trong 12 con giáp, rắn đứng thứ 6. Rắn cũng đi vào đời sống văn hóa, trở thành hình tượng biểu trưng cho nhiều tính cách của con người.
Chính lẽ đó, với ông Lý Huy Sáng, tượng rắn là bài toán ông đau đáu nhiều năm, không ngừng tìm tòi để tạo nên một bức tượng đậm khí chất lẫn nét mến yêu, thay đổi định kiến. Trong đó, Bảo Kim là tác phẩm ông hài lòng nhất năm nay khi hội tụ các nét cá tính này.
Ông Sáng miêu tả, Bảo Kim được nhân cách hóa như một thiếu nữ với tư thế cuộn mình trên chiếc gối bồng bềnh. Tư thế như một cô gái ung dung nghỉ ngơi thay vì tất tả mưu sinh, bạnh mang săn mồi. Để minh họa loài vật trong trạng thái hiền hòa nhất, ông Sáng thay đổi tạo hình của gương mặt, loại bỏ khung đầu góc cạnh, hàm nhọn, chuyển thành đường nét mềm mại. Đôi mắt với đuôi kéo dài, con ngươi tròn lấp lánh, lông mi vút cong như một cô gái trang điểm tinh tế. Chiếc lưỡi rắn cũng được giấu đi, để khuôn miệng như cong thành nụ cười, không còn nét hung dữ.
Cô rắn nằm trên chiếc túi vàng, đầu đội vương miện - như một nữ hoàng có cuộc sống sung túc. Các đường nét điểm xuyết bằng vàng 24K, tạo sự nhấn nhá, ngụ ý mang đến tiền tài cho người sở hữu. Rắn có bản tính lột da, mô phỏng hành trình của sự tái sinh, đổi mới, liên tục thích ứng trước bao biến chuyển. Thân rắn uốn cong, nhìn từ trên xuống là hình số 8 - biểu tượng vô cực, mô phỏng ý nghĩa trường tồn.
Để bức tượng thoát ra được thông điệp ý nghĩa, quá trình chế tác đòi hỏi nhiều quy trình công phu, phức tạp. Từng chi tiết nhỏ, từ nét mềm mại của vảy rắn đến nếp gấp túi tiền vàng đều thể hiện tỉ mỉ.
Trong quá trình nung hoàn nguyên, nhiệt độ đẩy lên mức tối đa 1.380 độ C. Thách thức của kỹ thuật này là tính bất ổn, từng yếu tố đều phải kiểm soát chặt chẽ và nghiêm ngặt. Chưa kể đặc tính của đất là co ngót sau khi nung, vì vậy Minh Long cần tính toán chuẩn xác đến từng chi tiết tạo hình, tỷ lệ vật liệu để thành phẩm không biến dạng.
Nước men sương mờ - đỉnh cao trong chế tác của hãng, tiếp tục ứng dụng trên bộ tượng linh vật năm nay, tạo cảm giác bề mặt trong, sâu, dịu như ngọc. Ngoài khó khăn trong chế tác, lớp sương mờ còn gây thách thức lớn hơn cho quá trình trang trí vàng, đòi hỏi nghệ nhân tay nghề cao và thực hiện thủ công hoàn toàn, mỗi nét cọ phải chính xác tuyệt đối. Một khó khăn khác, đất và men có nhiệt độ tan chảy khác nhau, khi đem nung có thể rạn men, vỡ tượng.
“Bí quyết của tôi là thử và thử rất nhiều lần, chọn lọc, chỉnh sửa qua hàng trăm phiên bản”, cứ thế gần chục năm ròng rã, tượng Bảo Kim đã thành hình.
Dáng vẻ ung dung, cảm xúc quyến rũ, ông Sáng mô tả bức tượng cùng niềm tự hào. “Tôi thở phào khi đem tặng bạn bè và họ nhận xét bức tượng toát lên nét đài các - điều khó nhất khi làm động vật bò sát”, ông nhấn mạnh.
Trong ký ức tuổi thơ, ông Sáng từng nuôi một chú rắn nước nhỏ. Coi rắn như thú cưng, ông đi đâu cũng đặt rắn trong túi áo, thi thoảng còn chuyện trò. Nhưng đến một hôm mẹ ông phát hiện, liền hô hoán, bắt ông đuổi con rắn ấy đi và tuyệt đối tránh xa loài bò sát này.
“Rắn rất nguy hiểm”, ông nhắc lại lời mẹ dặn thuở bé. Chính thế, cảm xúc của ông với loài rắn từ mến thương đổi sang cảnh giác. Mãi khi trưởng thành, ông mới hiểu thêm rằng: rắn có loài mang nọc độc nhưng cũng có loài hiền lành. Rắn cắn người, phần lớn là phòng vệ. Triết lý này thôi thúc, khiến ông tạo nên một tượng rắn mang vẻ thiện lành, ngụ ý về mọi thứ trên đời đều có hai mặt đối lập. "Ta phải đi tìm, thay đổi góc nhìn, như vậy mới có một bức tranh đa chiều", ông Sáng nói.
Tổng giám đốc hãng gốm sứ cho biết, vẻ dễ thương hội tụ nhiều nhất ở những em bé. Vì vậy Minh Long chế tác nên tượng Phúc Thái như một chú rắn non nở ra từ trứng vàng. Trứng vàng ngụ ý về tình yêu của ba mẹ, cũng là ước mơ về một cuộc sống sung túc, khởi đầu tốt đẹp.
Tượng có khuôn mặt bầu bĩnh, má phúng phính, đôi mắt xoe tròn, miệng cười hồn nhiên. Trên cổ khoác chiếc khăn, biểu thị thêm sự phú quý đủ đầy. Khuôn mặt chú rắn non toát lên sự hồn nhiên, dùng nét nhìn tinh anh khám phá thế giới.
Vẻ dễ thương hội tụ nhiều nhất ở những em bé. Vì vậy Minh Long chế tác nên tượng Phúc Thái như một chú rắn non nở ra từ trứng vàng. Trứng vàng này là tình yêu của ba mẹ, cũng là sự phú quý giàu sang như những em bé “sinh ra đã ngậm thìa vàng”. Khởi đầu tốt đẹp, mọi hành trình phía sau cũng sẽ thênh thang.
Tượng có khuôn mặt bầu bĩnh, má phúng phính, đôi mắt xoe tròn, miệng cười hồn nhiên. Trên cổ khoác chiếc khăn, biểu thị thêm sự phú quý đủ đầy. Khuôn mặt chú rắn non toát lên sự hồn nhiên, dùng nét nhìn tinh anh khám phá thế giới.
Đây cũng là bức tượng có nhiều màu sắc nhất năm nay: xanh, hồng, trắng. Tượng được trang trí và cách điệu theo lối nghệ thuật, cùng kỹ thuật vẽ màu dưới men với những gam màu biểu trưng cho ngũ hành, điểm xuyết vàng 24k. “Một lời chúc tốt lành, mến thương cho bất cứ ai”, ông Sáng nâng bức tượng, trong lời mô tả toát lên sự tự hào.
Đây cũng là bức tượng có nhiều màu sắc nhất năm nay: xanh, hồng, trắng. Tượng được trang trí và cách điệu theo lối nghệ thuật, cùng kỹ thuật vẽ màu dưới men với những gam màu biểu trưng cho ngũ hành, điểm xuyết vàng 24k.
“Một lời chúc tốt lành, mến thương cho bất cứ ai”, ông Sáng nâng bức tượng, trong lời mô tả toát lên sự tự hào.
Bên cạnh dải tượng theo lối nhân cách hóa, đây là năm đầu tiên Minh Long ra mắt bộ tượng cho năm mới với thiết kế cùng ý nghĩa phong thủy, mang tên Bảo Hợp Thái Hòa.
Bức tượng được Minh Long gọi là “kiệt tác nghệ thuật”, lấy cảm hứng từ linh vật Huyền Vũ - một trong Tứ Tượng của văn hóa phương Đông (rắn quấn quanh rùa), biểu trưng cho sự hài hòa trời - đất, âm - dương. Theo phân tích của các chuyên gia, rùa đại diện cho sự kiên định, trường thọ và ổn định - tức năng lượng âm. Rắn tượng trưng cho sự linh hoạt, trí tuệ và tái sinh - thể hiện năng lượng dương. Bức tượng với thân rùa, đuôi rắn như mô phỏng sự giao hòa giữa hai cực đối lập. "Qua đó, tượng phản ánh bản chất của vũ trụ, nơi những khác biệt không chỉ tồn tại mà còn tương trợ lẫn nhau, tạo nên một thế giới cân bằng", ông diễn giải.
Ông Sáng cho biết, tượng Bảo Hợp Thái Hòa được chế tác tinh xảo, nhiều chi tiết tỉ mỉ và kỳ công. Thế đứng uy nghi, vững chãi của rùa kết hợp với thân hình uyển chuyển của rắn, trong dáng vẻ nhẹ nhàng trên sóng nước, tạo nên một tổng thể cân bằng. Tượng cưỡi mây, đạp sóng ngụ ý vượt qua mọi thách thức khó khăn, hòa quyện với nhịp điệu tự nhiên. “Tinh thần Bảo Hợp Thái Hòa có thể hiểu như biến thách thức thành cơ hội, cách hóa giải gian truân”, ông Sáng phân tích.
Trên cả ba bức tượng đều mang đậm tinh thần 4 không - 4 có mà Minh Long coi như “vé thông hành” suốt 55 năm qua. Bức tượng trường tồn với thời gian (không thời gian), dù Á đông hay theo lối thẩm mỹ Tây phương đều công nhận (không biên giới), là phái nữ cũng thấy yêu mà nam giới cũng thích thú (không giới tính), trẻ em ngồi ngắm hoài còn người lớn thì biếu tặng (không tuổi tác). Từ 4 không đó, tượng có văn hóa, nghệ thuật, phong cách, phần hồn sống động, gửi lời chúc về một cuộc sống đủ đầy, tròn vẹn tình thương lẫn vật chất.
Những ngày cuối năm, người yêu gốm sứ, mê sưu tầm lại ghé đến Minh Long nhiều hơn để tìm cho mình một bức tượng như ý. Với ông Lý Huy Sáng, tượng sứ không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa trang trí mà bên trong đó còn gửi gắm ước vọng lớn lao của người gửi tặng lẫn những ai sẽ trưng bày. Bởi vậy, vị Tổng giám đốc luôn đặt mình ở vị trí của khách hàng để hiểu họ cần gì, bán ra niềm ước mơ mà chính họ cũng chưa thể gọi tên.
Nội dung: Thảo Nguyên
Hình ảnh: Quỳnh Trần
Video: Duy Phong
Thiết kế: Hằng Trịnh - Quốc Tuấn