Tọa đàm "Bứt phá doanh thu cuối năm: Lối đi nào cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu" vừa được tổ chức bởi Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), Đài truyền hình Việt Nam và Alibaba.com. Tọa đàm bàn luận về các vấn đề chung của doanh nghiệp xuất nhập khẩu hiện nay và đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn để cán đích thành công trong quý IV.
Chương trình có sự tham gia của các diễn giả là chuyên gia kinh tế, đại diện doanh nghiệp và đại diện MSB. Tọa đàm gồm ba phần: thực trạng ngành xuất nhập khẩu hiện nay, giải pháp vay vốn không cần tài sản bảo đảm và cơ hội mở rộng thị trường cho nhóm doanh nghiệp này qua sàn thương mại điện tử.
Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung 10 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 537,31 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 10, xuất siêu đã đạt 1,1 tỷ USD, kéo cán cân thương mại hàng hóa xuống còn nhập siêu 1,45 tỷ USD sau 10 tháng.
Dự báo về triển vọng xuất khẩu thời gian tới, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định, hai tháng cuối năm, tình hình xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng tốt, dự kiến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ đạt khoảng 600 tỷ USD. Đây là điểm sáng trong bức tranh kinh tế và là tín hiệu tốt cho thấy sự phục hồi của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang thuận lợi khi doanh nghiệp tiếp tục khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), cùng với nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm.
Tuy nhiên, nhưng ngành xuất nhập khẩu được đánh giá còn tồn tại khó khăn. Thứ nhất, dịch Covid-19 nói chung và làn sóng thứ 4 vừa qua vẫn để lại nhiều hệ quả như việc đứt gãy chuỗi cung ứng, sụt giảm về nguồn lao động, giá nguyên vật liệu và cước phí vận chuyển tăng cao. Bên cạnh đó là những tiêu chí khắt khe của thị trường nước ngoài để đảm báo tính ổn định của đơn hàng.
Thứ hai, bản thân doanh nghiệp Việt vẫn luôn phải đối diện với một số tồn tại về vốn, pháp lý và phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Trong đó, vấn đề về vốn vay được coi là thách thức lớn khi doanh nghiệp dừng sản xuất, đơn hàng đối tác chậm thanh toán hay hàng hóa khó tiêu thụ dẫn đến phải tồn kho.
Cơ hội bứt tốc từ vốn vay không tài sản bảo đảm
Sau thời gian dài chịu tác động của dịch bệnh, sức khỏe tài chính của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng đều hạn chế. Theo ông Trần Văn Lê - Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Cơ điện và Thương Mại Phương Linh, điểm tựa doanh nghiệp nghĩ tới đầu tiên tại thời điểm này là ngân hàng. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn với đa phần các nhà băng đều khó khăn, do những tiêu chí khắt khe về kết quả kinh doanh, tài sản bảo đảm hay phương án triển khai sau vay vốn phải được đánh giá là khả thi...
"Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn chịu áp lực từ việc gia tăng chi phí, mức tăng khoảng từ 30% đến hàng trăm phần trăm", ông Trần Văn Lê cho biết.
Ở góc độ ngân hàng, ông Nguyễn Trọng Tĩnh - Giám đốc Trung tâm Kênh phân phối và bán hàng, Ngân hàng Doanh nghiệp - Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam MSB, chia sẻ, cơ hội vay vốn của doanh nghiệp tại MSB đã mở rộng. Khách hàng doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ có cơ hội nhận hạn mức tín chấp tới 200 tỷ đồng, trong đó hạn mức vay tối đa đến 100 tỷ đồng. Cấp tín chấp tiếp cận ban đầu tới 500 triệu đồng với hình thức thẻ tín dụng doanh nghiệp, tới 2 tỷ đồng cho thấu chi doanh nghiệp, cho vay tới 5 tỷ đồng, tùy theo quy mô đơn vị cùng nhiều hình thức tín dụng khác.
Dựa trên đơn hàng xuất nhập khẩu, MSB có thể tài trợ trước giao hàng tới 90% giá trị hợp đồng hoặc L/C xuất khẩu, chiết khấu bộ chứng từ xuất khẩu tới 98% giá trị bộ chứng từ, tài trợ hợp đồng đầu ra đến 80% giá trị hợp đồng đầu ra.
Ông Nguyễn Trọng Tĩnh cũng cho biết, để san sẻ áp lực cùng khách hàng, MSB hỗ trợ cho vay với lãi suất từ 2,5% với khoản vay USD và từ 5,5% với khoản vay VND. Ngoài ra, doanh nghiệp còn được miễn 100% phí quản lý tài khoản, giao dịch Internet Banking/Mobile Banking, nộp thuế điện tử 24/7; giảm đến 30% phí tài trợ thương mại; giảm 40% phí giao dịch tiền mặt, chuyển tiền trong nước, dịch vụ ngân quỹ, thu chi hộ; giảm 30% phí chuyển tiền quốc tế.
Động lực tăng trưởng từ sàn thương mại điện tử
Tọa đàm cũng đề cấp đến sự chuyển đổi từ hình thức xuất khẩu truyền thống sang sàn thương mại điện tử. Năm 2020, giao dịch, thanh toán trực tuyến và tổng giá trị giao dịch (GMV) của Việt Nam trên Alibaba.com tăng ba chữ số.
Đại diện Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam cho biết, MSB đã trở thành đối tác toàn diện của Alibaba.com tại thị trường Việt Nam, thực hiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ như tài khoản, thẻ, ngân hàng trực tuyến, sản phẩm bảo hiểm - đầu tư, dịch vụ ngân hàng ưu tiên... cho các khách hàng thuộc phân khúc doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ trên sàn Alibaba.com. Khách hàng tham gia chương trình đối tác sẽ được hoàn tiền khi thanh toán phí thành viên bằng thẻ MSB Visa Business.
Các chuyên gia đánh giá, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ còn mở rộng hơn, nhất là trong bối cảnh Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực. Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm thách thức. Để hàng hóa Việt Nam xuất khẩu thành công trên các kênh thương mại điện tử quy mô toàn cầu, doanh nghiệp cần nắm vững các quy định về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hoá, chính sách liên quan tới nhập khẩu và pháp lý của thị trường này, đảm bảo hàng hóa đủ chứng từ, chứng nhận phù hợp với yêu cầu. Đồng thời, nhà bán hàng phải hiểu rõ cách vận hành logistics, bảo quản hàng hóa và tính toán được phương án vận chuyển tối ưu, chi phí thấp đểcạnh tranh tại thị trường quốc gia nhập khẩu.
Từ phía MSB, ông Nguyễn Trọng Tĩnh cho biết, ngân hàng sẽ tư vấn khách hàng xử lý chứng từ nhanh chóng thông qua đội ngũ chuyên gia về thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại. Nhà băng này còn hỗ trợ doanh nghiệp những dự báo mang tính xu hướng nhằm giảm thiểu rủi ro biến động tỷ giá từ thời điểm chốt đơn đến khi thanh toán hợp đồng.
Các chuyên gia nhận định, với tín hiệu tích cực của thị trường cũng như trợ lực từ ngân hàng như MSB, doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể kỳ vọng vào sự tăng trưởng tốt trong những tháng cuối năm.
An Nhiên