"Nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu và cần phải đẩy mạnh, nếu không, nông sản thực phẩm Viêt Nam sẽ thua trên sân nhà'', đó là một phát biểu của ông Vũ Mạnh Hùng, phó chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Công nghệ cao (DAA) khi trao đổi với báo chí mới đây.
Không chỉ riêng ông, giới chuyên gia nhận định, đến hết tháng 10/2017, Việt Nam có 13,8 triệu hộ nông dân với 78 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ, đặt ra yêu cầu về tái cơ cấu nông nghiệp. Một trong những giải pháp tất yếu là ứng dụng công nghệ để phát triển nông nghiệp.
Nông nghiệp ứng dụng IoT là việc số hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh đến chế biến, tiêu dùng thông qua các thiết bị cảm biến, công nghệ điều hành và tự động hóa. Từ sản xuất định tính, thông qua ứng dụng IoT, người nông dân có thể kiểm soát được diễn biến cây trồng, vật nuôi qua số liệu, phân tích tự động, từ đó ra các quyết định đúng và hiệu quả.
Tính tới đầu năm 2018, Việt Nam có tới 64 triệu người được tiếp cận internet, chiếm 67% dân số. Sự phát triển của công nghệ cùng hỗ trợ của Chính phủ trong tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đã tạo nên những thành công bước đầu trong ứng dụng có hiệu quả công nghệ IoT trong nông nghiệp.
Một số ví dụ có thể kể đến như iQShrimp - giải pháp phần mềm của tập đoàn Cargill, sử dụng công nghệ máy học, thiết bị di động và bộ cảm biến để cung cấp thông tin về chất lượng nước, điều kiện về sức khỏe và thời tiết… của trại nuôi tôm, đưa ra chiến lược quản lý giúp tối ưu hóa hiệu quả nuôi trồng.
Cargill hiện đã xây dựng 2 trung tâm ứng dụng công nghệ nuôi tôm, cá tại tỉnh Bạc Liêu, Tiền Giang giúp cho người nuôi trồng thủy hải sản tiếp cận và ứng dụng công nghệ tốt nhất trong nuôi trồng.
Hay ứng dụng Smart Agri được phát triển bởi công ty Global CyberSoft đã được áp dụng tại Việt Nam từ năm 2015. Thông qua smartphone hay máy tính bảng, nhà nông có thể ngồi nhà mà vẫn theo dõi, kiểm soát được tình hình thời tiết, chất lượng rau quả, vụ mùa, điều khiển quy trình sản xuất từ khâu xuống giống, chăm sóc, tưới tiêu...một cách tự động.
Tại Việt Nam, ứng dụng công nghệ IoT vào nông nghiệp cũng đang được Chính phủ tạo điều kiện hỗ trợ. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là: Hậu Giang, Phú Yên và Bạc Liêu. Ngày 24/4/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có Quyết định số 813/QĐ-NHNN về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, Thủ tướng đã giao NHNN và ngân hàng thương mại chuẩn bị gói tín dụng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Các tổ chức được thành lập hỗ trợ IoT nông nghiệp, như Cộng đồng mở IoT Việt Nam, được Viện Tin học Doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) khởi xướng từ tháng 3/ 2017. Cộng đồng gồm 21 công ty công nghệ, nhằm xây dựng giải pháp phần mềm IoT ứng dụng cụ thể cho từng mô hình sản xuất nông nghiệp.
Chi phí đầu tư cho hệ thống IoT trong nông nghiệp được cho là thách thức đối với các công ty công nghệ, các hộ nông dân quy mô sản xuất nhỏ, dựa vào kinh tế hộ gia đình. Được biết, chi phí hệ thống IoT cho một ứng dụng quản lý nông trại dao động từ 2-20 triệu đồng mỗi sào, thậm chí cả trăm triệu đồng, tùy theo yêu cầu về mức hiện đại và độ chính xác. Do đó, chỉ những hộ có sản lượng lớn, doanh thu và khách hàng ổn định mới có khả năng đầu tư.
Ngoài ra, các ý tưởng ứng dụng IoT trong nông nghiệp Việt Nam còn chưa đa dạng, mới chỉ xoay quanh các vấn đề như sử dụng cảm biến, lập trình tưới, đóng cắt nắng, trồng thủy canh tự động trong nhà… chủ yếu áp dụng cho doanh nghiệp quy mô vừa. Theo các chuyên gia nhận định, nông nghiệp ứng dụng IoT như vậy chỉ là một phần nhỏ. Một bức tranh toàn cảnh cần có năm yếu tố: đầu vào, canh tác, chế biến, phân phối và tiêu thụ.
Thêm nữa, các nông hộ, hợp tác xã còn khá bỡ ngỡ với công nghệ cao, ngại thay đổi phương thức sản xuất truyền thống. Vì vậy, cần phải có người đồng hành, hướng dẫn, áp dụng quy trình, công nghệ đơn giản, linh hoạt để giúp họ nhanh thích ứng.
Việt Nam là nước có bề dày kinh nghiệm trong nông nghiệp. Các chuyên gia nhận định, đây là tiềm năng để góp phần phát triển nền nông nghiệp cao, ứng dụng công nghệ IoT vào sản xuất với sự góp sức của các doanh nghiệp công nghệ. Đặc biệt, với vấn đề chất lượng nông sản đang nóng như hiện nay, IoT trong nông nghiệp sẽ giúp nâng cao năng suất, tính minh bạch trong chuỗi sản xuất, đồng thời hỗ trợ quá trình truy xuất nguồn gốc nông sản.
Chia sẻ góc nhìn của nhà băng, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho rằng để nâng cao chất lượng nông sản, công nghệ là yếu tố được ưu tiên hàng đầu.
Cụ thể, bà đưa ra ba kiến nghị. Cơ quan quản lý cần sử dụng công nghệ để duy trì môi trường an toàn cho vùng nông nghiệp; kiểm soát quy trình sản xuất của doanh nghiệp, kiểm định chất lượng hàng hoá; tạo sự công bằng, minh bạch đối với những nhà sản xuất nghiêm túc, áp dụng chế tài xử lý đủ nặng đối với các vi phạm. Còn nhà sản xuất cần ứng dụng công nghệ để duy trì quy trình an toàn, quy mô lớn, chất lượng đồng đều, ổn định, và cung cấp bằng chứng khi có yêu cầu của đối tác.
Người tiêu dùng cũng cần áp dụng công nghệ để kiểm định chất lượng sản phẩm, vị đại diện Agribank nhận định.
Phạm Vân
Nằm trong chuỗi chuyên đề thuộc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018, Diễn đàn chuyên đề Nông nghiệp - Giải pháp phát triển cho nông sản Việt sẽ khai mạc vào sáng 5/6. Diễn đàn là nơi các cơ quan quản lý, giới chuyên gia và doanh nghiệp cùng bàn thảo hai nội dung chính là vấn đề mở rộng thị trường cho nông sản Việt, ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp. Diễn đàn do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân phối hợp thực hiện cùng Báo điện tử VnExpress, đồng hành cùng nhà tài trợ Kim cương Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Tập đoàn TH, nhà tài trợ Vàng Ngân hàng Bắc Á và nhà tài trợ Bạc Công ty Cổ phần Lina Network. Theo dõi chương trình và đăng ký tham dự tại: https://vief.vnexpress.net/ |