Kể cả trước khi căng thẳng giữa Kremlin và phương Tây quanh vấn đề Ukraine nổ ra, thế giới đã nhận thấy rõ ràng mô hình kinh tế dựa vào xuất khẩu năng lượng của Nga, đang dần mất tác dụng. Năm 2007, ngay trước khi khủng hoảng tài chính xảy ra, kinh tế Nga tăng trưởng 8,5%. Năm ngoái, tốc độ này chỉ còn 1,3%. Và năm nay, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), Nga có thể tăng trưởng -1,8%.
Tuy nhiên, với dân số 144 triệu người, là thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO), có quyền lực trong nhóm nước mới nổi BRIC và người dân chuộng theo lối sống Tây, Nga vẫn có sức hút với các công ty đa quốc gia và nhà đầu tư nước ngoài. Đến tận gần đây, Alexis Rodzianko tại Phòng thương mại Mỹ tại Moscow vẫn cho rằng "kinh tế Nga có thể chậm lại, nhưng theo góc nhìn của tôi thì vẫn tốt".
Tuy nhiên, Economist cho rằng triển vọng cho các doanh nghiệp đang dần u ám. Khi những người biểu tình thân Nga đòi ly khai tại miền đông Ukraine, rất nhiều công ty đã tỏ ra ngần ngại trước việc Nga chịu lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Họ có thể bị giảm đầu tư, khó vay nước ngoài và niềm tin tiêu dùng đi xuống.
Mối lo cận kề nhất, đặc biệt với các công ty phương Tây làm ăn với Nga và tại Nga, là các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu về giao dịch với một số cá nhân. Dù giới chuyên gia đã nhận định các biện pháp này sẽ có tác động trực tiếp khá hạn chế, nó vẫn gây ra yếu tố sợ hãi, làm khuếch đại tầm ảnh hưởng. Cổ phiếu hãng khí đốt Novatek đã giảm mạnh khi lệnh trừng phạt được công bố, do lo ngại hãng sẽ chật vật hơn khi làm việc với đối tác hoặc vay vốn nước ngoài. Nguyên nhân là tỷ phú Gennady Timchenko nằm trong danh sách đen của Mỹ, mà ông lại nắm 23% cổ phần công ty và có chân trong hội đồng quản trị.
Các công ty nước ngoài lo ngại lệnh trừng phạt có thể mở cửa cho các đối thủ của họ, cụ thể là từ châu Á. Hiện nay có rất nhiều tin đồn về việc doanh nhân Trung Quốc đang cố giành hợp đồng bằng cách thúc giục công ty Nga không phụ thuộc vào phương Tây.
Chính trị gia và doanh nghiệp Nga cũng đang xem xét châu Á và một số nơi khác để tìm khách hàng thay thế. Phó thủ tướng Nga – Dvorkovich tuần trước cho biết họ hy vọng sớm hoàn tất hợp đồng bán khí đốt giữa Gazprom và Trung Quốc. Hãng sản xuất máy Sukhoi cũng vừa ký hợp đồng với một hãng hàng không Trung Quốc. Họ kỳ vọng việc này sẽ bù đắp lại các đơn hàng bị mất từ khách hàng phương Tây. Tuy nhiên, dòng sản phẩm Superjet của Sukhoi lại có nhiều bộ phận chính phải nhập từ Mỹ và châu Âu. Vì vậy, việc sản xuất của họ cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.
Với các hãng trong nước, mối lo lớn nhất lúc này là nguy cơ khó vay vốn nước ngoài và ảnh hưởng của việc này lên đầu tư và sản xuất, Elena Anankina tại Standard & Poor’s nhận xét. Các tổ chức tín dụng có thể không đả động gì đến những khoản vay hiện tại. Nhưng họ có thể lưỡng lự khi cho vay mới.
Hãng sản xuất nhôm Rusal là một trong những công ty Nga chịu ảnh hưởng từ việc này nhiều nhất. Một số ngân hàng nội địa, như Sberbank và VTB từng bóng gió sẽ lấp đầy khoảng trống tín dụng tại Nga. Tuy nhiên, bà Anankina cũng tỏ ra nghi ngại họ khó có thể cầm cự lâu. Trên thực tế, bản thân một số ngân hàng Nga còn phải phụ thuộc vào các khoản vay nước ngoài. Với việc số vốn rút khỏi Nga lên tới hơn 50 tỷ USD chỉ riêng quý I, đầu tư vào hoạt động sản xuất trong nước, vốn đóng góp nhiều nhất cho GDP, sẽ rất khó phục hồi.
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây xung quanh việc sáp nhập Crimea, cùng sự bất ổn tại miền đông Ukraine đã gây sức ép giảm giá lên đồng ruble. Trên lý thuyết, tiền tệ yếu đi sẽ có lợi cho các hãng sản xuất trong nước. Trong chuyến thăm Moscow hồi đầu tháng, Carlos Ghosn - ông chủ hãng xe Renault-Nissan đã nhận xét việc này "là một lợi thế với các công ty Nga".
Tuy nhiên, theo ông Yaroslav Lissovolik tại Deutsche Bank, coi "tiền tệ yếu là cách tăng trưởng" là một "quan niệm sai lầm". Do các hãng sản xuất Nga, như Sukhoi, phải phụ thuộc vào linh kiện và máy móc nhập khẩu. Thêm vào đó, nhiều công ty Nga đã hoạt động gần hết công suất và khó có thể đoạt thị phần từ các đối thủ nước ngoài mà không có thêm tiền đầu tư.
Doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng, xây dựng, bất động sản, ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên và mạnh nhất. Nhu cầu thép tại Nga, vốn một nửa từ ngành xây dựng, sẽ chịu ảnh hưởng theo. Doanh số bán ôtô, phụ thuộc vào vay ngân hàng, cũng chung số phận. Ford cũng có thể cân nhắc cắt giảm sản xuất với liên doanh Sollers tại Nga. Vì thế, nếu căng thẳng giữa Nga và phương Tây còn kéo dài, các tác động này sẽ còn tồi tệ hơn nữa.
Hà Thu