Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/2 thông báo đã điện đàm "dài và hiệu quả" với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về đàm phán chấm dứt xung đột Ukraine. Ông chủ Nhà Trắng cho biết họ đã nhất trí khởi động quá trình đàm phán ngay lập tức, sau đó gọi cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để thông báo tình hình.
Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa ông chủ Nhà Trắng và ông chủ Điện Kremlin từ khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát cuối tháng 2/2022. Động thái đánh dấu sự thay đổi trong cách tiếp cận vấn đề Ukraine của ông Trump so với người tiền nhiệm, bởi ông Joe Biden thường ưu tiên trao đổi với lãnh đạo Ukraine và tuyên bố chỉ Kiev mới có quyền quyết định thời điểm đàm phán.
Ông Trump từng tuyên bố sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột bằng cách buộc lãnh đạo Nga và Ukraine phải ngồi vào bàn đàm phán. Cuộc điện đàm cho thấy Tổng thống Mỹ muốn bắt tay vào việc, dấy lên hy vọng kết thúc chiến sự, nhưng cũng kéo theo lo ngại về các điều khoản trong thỏa thuận tiềm năng.
"Cuộc điện đàm là phát súng báo hiệu bắt đầu đàm phán chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine, và cũng có thể là bước ngoặt trong nhiều vấn đề quan trọng khác, như sự đoàn kết của NATO, chủ quyền Ukraine và hợp tác Mỹ - Trung", cây viết Ivor Bennett của Sky News bình luận.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP
Sau khi chiến sự bùng phát tháng 2/2022, Nga và Ukraine từng tổ chức đàm phán hòa bình cả trực tiếp và trực tuyến. Tuy nhiên, nỗ lực này đóng băng và sụp đổ sau hơn một tháng, khi Ukraine cáo buộc Nga gây ra vụ "thảm sát Bucha" và các nước phương Tây tuyên bố sẽ gây ra "thất bại chiến lược" cho Moskva.
Hai bên sau đó chưa thể nối lại đàm phán, do bất đồng quan điểm quá lớn. Moskva muốn Kiev phải từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, duy trì trạng thái trung lập, chấp nhận thực tế mới với 4 vùng lãnh thổ mà Nga tuyên bố sáp nhập tháng 9/2022. Trong khi đó, Ukraine quyết không nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy hòa bình và kiên quyết yêu cầu Nga rút quân khỏi các khu vực đang kiểm soát.
Trong gần ba năm qua, chính quyền Biden cùng đồng minh khẳng định việc Ukraine gia nhập NATO là tất yếu. Nhưng chính quyền Trump dường như đã thay đổi trong cách tiếp cận vấn đề.
"Mỹ không cho rằng việc đàm phán sẽ mang đến kết quả là Ukraine gia nhập NATO", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth phát biểu tại cuộc họp của NATO tại trụ sở ở Brussels, Bỉ ngày 12/2. Tổng thống Trump sau đó nhắc lại quan điểm này.
"Cá nhân tôi cũng không nghĩ điều đó khả thi", ông chủ Nhà Trắng nói. "Nga đã tuyên bố từ lâu rằng Ukraine không thể gia nhập NATO, và tôi đồng ý với điều này".
Ông Trump thêm rằng Ukraine "khó có thể" khôi phục biên giới trước năm 2014, khi Nga chưa sáp nhập bán đảo Crimea, trong quá trình đàm phán. Tổng thống Mỹ sau đó nói ông tin Ukraine "có thể lấy lại phần nào". "Tôi ở đây để thiết lập hòa bình. Tôi không quan tâm quá nhiều đến những chuyện khác ngoài ngăn kịch bản hàng triệu người thiệt mạng".
Theo Rachel Rizzo, nhà nghiên cứu tại Trung tâm châu Âu, viện chính sách Hội đồng Đại Tây Dương trụ sở Mỹ, ông Trump có cái nhìn khác người tiền nhiệm về cuộc chiến ở Ukraine.
"Ông ấy coi cuộc chiến là vấn đề mang tính chính trị, không phải một hành động tấn công nền dân chủ. Do đó, ông ấy muốn sớm chấm dứt nó", Rizzo trả lời Al Jazeera. "Tôi nghĩ đây là khởi đầu đàm phán, và Mỹ cũng rất thực tế về những gì họ sẵn sàng hỗ trợ Ukraine".
Ben Barry, nhà phân tích tại Viện Quốc tế về Nghiên cứu Chiến lược (IISS), tin Tổng thống Putin sẽ hài lòng với thay đổi trong lập trường của Mỹ dưới thời ông Trump. "Tôi tin chắc ông ấy sẽ coi đây là cơ hội", Barry đánh giá.
Một nhà ngoại giao châu Âu mô tả với Guardian rằng lập trường của Mỹ mà ông Hegseth vạch ra là "sự đầu hàng sớm", cảnh báo Nga có thể đưa ra nhiều yêu cầu hơn trong quá trình đàm phán sắp tới.
"Đây chắc chắn là cách tiếp cận mới, đưa ra những nhượng bộ lớn ngay cả khi đàm phán chưa bắt đầu", Carl Bildt, cựu thủ tướng Thụy Điển, viết trên mạng xã hội.

Cục diện chiến trường Ukraine sau gần ba năm giao tranh. Đồ họa: RYV
Ở phía còn lại, vị thế của Ukraine có thể suy yếu trong tiến trình đàm phán lần này. Ông Trump không trả lời cụ thể khi được hỏi về việc có coi Ukraine là "một bên bình đẳng" trong nỗ lực chấm dứt chiến sự hay không.
"Đó là một câu hỏi thú vị. Tôi nghĩ họ phải tạo ra hòa bình. Người dân của họ đã thiệt mạng", Tổng thống Trump phản hồi, thêm rằng ông từng cảnh báo Ukraine đây không phải một cuộc chiến họ nên vướng vào.
Về khả năng Ukraine nhượng bộ lãnh thổ trong quá trình đàm phán, ông Trump nói Tổng thống Zelensky "sẽ phải làm điều cần thiết".
Theo giới quan sát, ông Trump dường như đang hướng tới một lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine vào cuối tháng 4. Theo đó, giao tranh sẽ được đóng băng tại chiến tuyến miền đông Ukraine, đổi lại, Kiev sẽ phải rút toàn bộ quân đang kiểm soát một phần tỉnh Kursk của Nga.
Kịch bản này sẽ gây nhiều thất vọng cho Ukraine, bên đã dồn nhiều nguồn lực tấn công và kiểm soát một phần tỉnh Kursk với hy vọng sẽ đổi lấy phần lãnh thổ tương ứng, có thể là khu vực Nga đang chiếm ở tỉnh Kharkov.
Phó tổng thống Vance hôm 14/2 cho rằng còn quá sớm để xác định Ukraine có thể giữ lại bao nhiêu lãnh thổ, hay các bảo đảm an ninh của Mỹ và phương Tây dành cho Kiev sẽ như thế nào. Những vấn đề này sẽ được giải quyết trong quá trình đàm phán.
Ông nhấn mạnh rằng Tổng thống Donald Trump có nhiều phương án đàm phán, nhưng điều quan trọng là "chúng tôi quan tâm đến chủ quyền, độc lập của Ukraine".
Tổng thống Zelensky ngày 12/2 cho biết đã điện đàm với ông Trump khoảng một giờ về nỗ lực chấm dứt xung đột tại Ukraine. Trong bài phát biểu hàng tối sau đó, Tổng thống Zelensky tiết lộ đã thảo luận với người đồng cấp Trump về nhiều vấn đề như ngoại giao, kinh tế và quân sự.
"Chúng tôi tin Mỹ có đủ sức mạnh để cùng với chúng tôi và tất cả đối tác buộc Nga cùng Tổng thống Putin chấp nhận hòa bình", ông Zelensky nhấn mạnh.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev ngày 5/2. Ảnh: AP
Tổng thống Trump thông báo đã yêu cầu Ngoại trưởng Marco Rubio, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương John Ratcliffe, Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Waltz và đặc phái viên Trung Đông Steve Witkoff dẫn dắt các cuộc đàm phán. Ông không nêu rõ Ukraine có đại diện tham gia hay không.
Hiện chưa rõ Tổng thống Putin có thể nhượng bộ điều gì để các bên có thể đạt thỏa thuận. Giới chức Nga trước đó khẳng định họ sẵn sàng đàm phán, nhưng phải theo các điều kiện Moskva đã đưa ra, trong đó có Ukraine không gia nhập NATO, chấp nhận thực tế mới về lãnh thổ.
Với ông Putin, cuộc điện đàm là bước ngoặt mở ra cơ hội để hai lãnh đạo gặp trực tiếp, có thể là ở Arab Saudi, "trong tương lai gần" như ông Trump thông báo.
Khi được hỏi ông Zelensky có tham gia cuộc họp này hay không, Tổng thống Trump chỉ trả lời "chúng tôi sẽ có cuộc họp đầu tiên trước, rồi mới xem có thể làm gì trong cuộc họp thứ hai".
Như Tâm (Theo Washington Post, Sky News, Al Jazeera)