Hai ngày qua, Cường Đàm đón bạn bè, đồng nghiệp, khán giả tham quan triển lãm cá nhân đầu tiên ở TP HCM, đánh dấu chặng đường 10 năm làm nghề. Nhà thiết kế lấy cảm hứng từ cuộc sống, công việc, mối quan hệ cá nhân để sáng tạo nghệ thuật.
Triển lãm gửi thông điệp về niềm tin sau vấp ngã, tổn thương. "Tôi nghĩ trong mỗi người đều hướng tới một vị thần, sự tối thượng riêng. Ở đó, khi dám đối diện nội tâm, bạn sẽ tìm ra câu trả lời mình là ai", anh nói.
Anh thiết kế ba căn phòng với sắc thái khác nhau. Đầu tiên là cánh cửa Rebirth - không gian của sự tái sinh. Người xem chiêm ngưỡng bức điêu khắc về người mẹ mang thai, thể hiện ý nghĩa khởi đầu. Tiếp đến là The Versions - khoảng không với hình ảnh mái vòm tượng trưng cho bầu trời. Lúc này, đứa trẻ đã lớn, bắt đầu va chạm với cuộc đời. Tại đây, Cường Đàm trưng bày 16 bức điêu khắc kết hợp thời trang, tương ứng câu chuyện cá nhân.
Anh lần lượt kể về sự biết ơn cha mẹ qua The Source (Thượng nguồn), Amanok. Vẻ tươi sáng dần chuyển sang trạng thái như bí bách, cảm giác bị giam cầm hay bối rối khi lần đầu nhận thức được về giới tính thật của mình, thể hiện trong The First Sense of Self (Thức cảm đầu), Eclipse (Nhật thực), Racing Heart (Nhịp đập), Dazed (Bối rối), Labyrintth (Mê cung).
Về tình yêu, anh miêu tả niềm hạnh phúc lẫn đau đớn khi chia tay qua Body Heat (Nhiệt cảm). Với The cut (Lưỡi cưa), Cường Đàm nhắc về giai đoạn khủng hoảng của tuổi trẻ - tám năm vượt qua bệnh trầm cảm. Giữa ranh giới của sự buông bỏ và tia sáng lạc quan, anh chọn cách bước qua để tiến về phía trước.
Nhà thiết kế đặt Khắc kỷ ở cuối, giống như cái kết mở, mang ý niệm về việc đã tìm thấy "vị thần" trong tâm hồn. Người này không phải ai đó trên cao, mà chính là bản thân sau khi được thức tỉnh. "Hiện tôi mang vẻ ngoài tựa chiến binh và tinh thần tự do để làm những điều mong muốn", Cường Đàm nói.
Ở phòng cuối, anh thiết kế khung cảnh gồm ánh sáng chuyển động, âm thanh tĩnh lặng. Khách tham quan lần lượt bước vào, dành một phút tự suy ngẫm về cuộc sống.
Nhà thiết kế cùng êkíp chuẩn bị cho dự án trong nửa năm. Anh sử dụng ba gam màu chủ đạo gồm trắng, đen, đỏ tạo vẻ bí ẩn, chiều sâu. Về chất liệu, Cường Đàm dùng vải gấp nếp, nhăn, phụ kiện kim loại, kết hợp kỹ thuật draping để tạo nên các bộ trang phục riêng cho mỗi bức tượng.
Khán giả Hoài Nguyễn, 25 tuổi, nói: "Tôi từng rất thiếu tự tin vào bản thân. Khi nhìn các bức tượng, tôi cảm nhận các lớp vải như che đi những khuyết điểm cơ thể lẫn sự tổn thương. Tôi như bắt gặp chính mình".
>>> Dàn sao xem triển lãm "Paramount"
Cường Đàm sinh năm 1990 ở Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Kiến Trúc và Học viện Thiết kế và Thời trang London. Anh gây chú ý khi từng thực hiện các show diễn như Inflowing, Rendezvous, Warriors in Yoshiwara, Fusion, Inflow. Các thiết kế của anh mang đậm nét kiến trúc qua cách tạo phom, hướng đến phong cách sang trọng, có thể mặc trong nhiều hoàn cảnh. Nhiều người nổi tiếng yêu thích và chọn trang phục của anh, trong đó có Hồ Ngọc Hà, Tóc Tiên, Hoa hậu Lương Thùy Linh, Kỳ Duyên, Á hậu Kim Duyên, Lê Thảo Nhi, người mẫu Minh Triệu.
Tân Cao