Ông Nguyễn Đại Hùng Lộc - Phó chủ tịch Hội Tem TP HCM - nói mất khoảng 10 năm để có bộ sưu tập. Ông cho biết: "Để có được tem và bưu ảnh quý, ngoài tìm kiếm trong nước, tôi trao đổi, mua bán trên các trang mạng quốc tế. Việc sưu tập mất nhiều thời gian vì bên cạnh tìm kiếm, phải hiểu được những câu chuyện đằng sau từng chiếc tem và bưu ảnh".
Bộ sưu tập của ông gồm 20 khung, mỗi khung 16 trang, mỗi trang được dán tem và bưu ảnh cùng chú thích. Ông chia thành năm chủ đề: vật phẩm bưu chính, tem về trang phục đội đầu của người phụ nữ, tem về người phụ nữ anh hùng, tem phụ nữ Việt thông qua từng loại trang phục. Trong đó, bưu ảnh xưa nhất có lịch sử khoảng 120 năm, nằm trong mục bưu ảnh về phụ nữ đồng bằng Bắc bộ từ những năm 1900-1960.
Ông Nguyễn Đại Hùng Lộc tâm đắc với bộ sưu tập tem trang phục đội đầu của phụ nữ Việt. Ông tìm tòi, phân loại để tạo thành hệ thống tem thể hiện trang phục đội đầu của phụ nữ mỗi thời kỳ, vùng miền, tầng lớp. Trong quá trình tìm kiếm, ông phát hiện nhiều tem có lịch sử thời Đông Dương thuộc Pháp, phụ nữ Việt còn xuất hiện trong tem và bưu ảnh nước ngoài.
Bà Nguyễn Thị Minh Trang - Chủ tịch Hội Tem TP HCM - nói: "Là phụ nữ, tôi tự hào khi con tem đầu tiên ra đời trên thế giới vào năm 1840 in hình Nữ hoàng Anh. Ở Việt Nam, các bưu điện luôn lấy hình ảnh các bà, các mẹ, các chị em và nhi đồng để in tem. Hội Tem TP HCM mong muốn đem đến nhiều triển lãm về tem và bưu ảnh của các nhà sưu tập lớn, sẵn sàng tham gia triển lãm trong và ngoài nước như cách để tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt".
Triển lãm "Nét đẹp phụ nữ Việt Nam qua tem & bưu ảnh" nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 1.981 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 của Nhà Văn hóa Phụ nữ TP HCM. Ngoài bộ sưu tập của ông Nguyễn Đại Hùng Lộc, buổi triển lãm còn trưng bày bộ sưu tập của nhà sưu tập Nguyễn Thị Thanh Hương, Nguyễn Tuấn Phong - thành viên Hội Tem TP HCM.
Thu Thảo - Thanh Tuyền