Luật tự do báo chí ban hành tại Nam Kỳ ngày 12/9/1881 - một trong những tư liệu trong triển lãm. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I Triển lãm trực tuyến diễn ra ngày 21/6 trên website của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, gồm 100 tài liệu, hình ảnh. Các tác phẩm trong triển lãm có sự đóng góp của Bảo tàng Lịch sử quốc gia và nhà sưu tầm sách báo Nguyễn Phi Dũng với những đầu báo được xuất bản ở Việt Nam vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Nội dung trưng bày được chia thành hai phần. Phần đầu giới thiệu một số dấu mốc thời gian quan trọng trong lịch sử báo chí Việt Nam từ khi người Pháp xâm chiếm Nam Kỳ đến trước năm 1945. Phần sau là các vấn đề gắn liền với công tác phát hành và lưu hành báo chí. Gia Định báo được xem là tờ báo Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam, ra mắt năm 1865 tại Sài Gòn, do Trương Vĩnh Ký khởi xướng và làm chủ nhiệm, cùng cộng tác viên Huỳnh Tịnh Của. Nội dung tờ báo bao gồm hai phần: Công vụ và tạp vụ. Về sau có thêm phần mở rộng (khảo cứu, nghị luận). Gia Định báo đặt nền móng cho sự phát triển báo chí Việt ngữ ở nước ta, góp phần phổ biến kiến thức, nâng cao dân trí về nhiều lĩnh vực. Ảnh: Thư viện quốc gia Pháp Trang bìa Đại Nam đồng văn nhật báo số 812, năm 1907 khi được đổi tên thành Đăng cổ tùng báo. Báo được chia nửa chữ Quốc ngữ, nửa chữ Hán. Phần chữ Quốc ngữ do ông Nguyễn Văn Vĩnh chủ trương. Đăng cổ tùng báo ra theo thể tạp chí, 16 trang, trang Quốc ngữ áp mặt với trang Hán văn. Ảnh: Nhà sưu tầm sách báo Nguyễn Phi Dũng Đông Dương tạp chí được xuất bản lần đầu tại Hà Nội năm 1913. Ở trang bìa của số đầu tiên, dòng chữ Pháp dưới tờ báo cho hay đây là phụ bản của báo Lục tỉnh tân văn tại Bắc Kỳ. Tham gia viết bài cho báo là những tên tuổi lớn trên văn đàn: Tản Đà, Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Phan Kế Bính, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim... Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I Tao đàn xuất bản năm 1939, là tờ tạp chí văn hóa - văn học nghệ thuật có những đóng góp quan trọng về tư tưởng lẫn học thuật. Tạp chí Tao Đàn số 2 tổ chức cuộc trao đổi ý kiến xoay quanh chủ đề "Gây dựng nền văn hóa dân tộc Việt Nam như thế nào?". Văn học cổ điển trên Tao Đàn chủ yếu đề cập đến chữ Nôm và chữ Hán, qua một số khảo cứu của các tác giả như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Trọng Thuật, Tảo Trang, Kinh Dinh. Ảnh: Nhà sưu tầm sách báo Nguyễn Phi Dũng Số đặc biệt báo Cứu Quốc xuất bản ngày 5/1/1943. Báo Cứu Quốc là cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Minh. Kể từ năm 1945 đến 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết và đăng trên báo Cứu Quốc khoảng 400 bài. Đây là tờ báo đăng tải thông tin về các sự kiện của đất nước, các hoạt động, phát biểu, bài trả lời phỏng vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra trong thời gian đó. Báo Cứu Quốc cũng chính là tiền thân của báo Đại Đoàn Kết ngày nay. Ảnh: Nhà sưu tầm sách báo Nguyễn Phi Dũng Toàn cảnh nhà máy giấy Đáp Cầu (Bắc Ninh) được thành lập năm 1913. Ảnh: Thư viện quốc gia Pháp Nhà in Tân Dân do nhà viết kịch Vũ Đình Long thành lập năm 1930. Nhà in gắn liền với các báo và tạp chí Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Ích Hữu, Truyền bá, Tao Đàn và hai tủ sách: Những tác phẩm hay và Tủ sách Tao Đàn. Ảnh: Nhà sưu tầm sách báo Nguyễn Phi Dũng Cảnh Quân