Chủ nhật, 28/4/2024
Thứ bảy, 27/1/2024, 19:00 (GMT+7)

Triển lãm tư liệu quý về đấu xảo thời Pháp thuộc

Hà Nội300 tài liệu lưu trữ và hình ảnh quý về các hội đấu xảo thời Pháp thuộc lần đầu được trưng bày.

Chiều 26/1, tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức triển lãm "Đấu xảo - Nơi tinh hoa hội tụ", giới thiệu hơn 300 tài liệu lưu trữ và hình ảnh quý về các hội đấu xảo có sự tham gia của Việt Nam, trong đó nhiều tài liệu lần đầu được công bố.

Triển lãm gồm hai phần: Đấu xảo Hà Nội (với những hình ảnh điển hình của các cuộc đấu xảo năm 1865, 1887, 1902) và Đem chuông đi đánh xứ người.

Đấu xảo là "hội thi đấu về sự tinh xảo" - cách gọi cũ của hoạt động hội chợ, triển lãm, được tổ chức để giới thiệu và quảng bá các tác phẩm, sản phẩm hàng hóa, tạo cơ hội cho thị trường, thúc đẩy thương mại, phát triển kinh tế trong khu vực và thế giới. Các hoạt động này xuất hiện từ xa xưa trên thế giới dưới nhiều hình thức.

Châu bản về các sản phẩm tham dự. Hội đấu xảo Gia định tổ chức vào năm 1865, thời vua Tự Đức, là sự kiện lớn đầu tiên diễn ra tại Nam Kỳ giai đoạn Pháp thuộc. Năm 1866 Triều đình nhà Nguyễn cử một phái đoàn sang Paris tham quan Hội đấu xảo.

Ở Việt Nam, đấu xảo trong nước tổ chức chủ yếu giới thiệu và trao đổi hàng hóa. Hoạt động này được tổ chức thường xuyên tại Hà Nội, Sài Gòn và các tỉnh thành trong cả nước thời Pháp thuộc. Hội đấu xảo mang tính quốc tế nở rộ cùng với cuộc cách mạng công nghiệp ở châu Âu vào cuối thế kỷ 19. Hội đấu xảo thuộc địa hay đấu xảo quốc tế diễn ra tại các thành phố lớn của Pháp, Bỉ hay Mỹ đều có sự tham gia của Đông Dương, trong đó có Việt Nam.

Ở Hà Nội, hội đấu xảo lớn đầu tiên tổ chức tại Trường Thi năm 1887. Giới thiệu các sản phẩm kỹ nghệ của nước Pháp thời Đông Dương. Tại đây có các gian hàng dành cho thợ thủ công Việt Nam.

Dịp này, bức tượng Nữ thần tự do phiên bản thu nhỏ bằng 1/16 bức tượng của nhà điêu khắc Bartholdi được đưa từ Pháp sang New York, Mỹ, trưng bày tại khu vườn trong khuôn viên hội đấu xảo. Bức tượng từng được đặt trên đỉnh Tháp Rùa một thời gian và chuyển về Vườn hoa Cửa Nam đến 1945. Bên phải là đầu máy Décauville của Công ty Eiffel nổi tiếng, Pháp, trưng bày.

Năm 1902, Cung đấu xảo nằm phía bên trái của đại lộ Gambetta (phố Trần Hưng Đạo ngày nay) dẫn đến nhà ga trung tâm được khánh thành. Hội đấu xảo Hà Nội là dấu mốc đặc biệt về sự góp mặt của các gian hàng từ nước Pháp, các thuộc địa Pháp và một số nước châu Á.

Trước đó, ngày 5/5/1899, Toàn quyền Đông Dương quyết định mở hội đấu xảo ngày 01/12/1901. Tuy nhiên, ngày khai mạc phải lùi đến 3/11/1902 theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương bởi cuối năm 1901, Cung đấu xảo, cầu Long Biên bắc qua sông Hồng và tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, chưa thể khánh thành.

Các sản phẩm trưng bày tại đấu xảo Hà Nội 1902 chia làm ba nhóm: Nhóm một - Khảo cổ, mỹ thuật, giáo dục, khoa học, nhóm hai - Nông nghiệp, thương mại, kỹ nghệ, mỏ, Nhóm ba - Xây dựng, cơ khí, hàng hải, vận tải, công chính, đường sắt.

Ở phần Đem chuông đi đánh xứ người, triển lãm giới thiệu hình ảnh tại đấu xảo thế giới tổ chức ở thành phố Paris (Pháp) năm 1878, lần đầu tiên sản phẩm Nam kỳ trưng bày tại đây, mang về 12 huy chương vàng, 12 huy chương bạc, 20 huy chương đồng.

Một kiến trúc nhà Nam kỳ không làm theo mẫu chính xác công trình thực tế nào, nhưng vẫn mang đầy đủ dáng vẻ kiến trúc An Nam, với diện tích khoảng 1.250 m2. Mô hình được trưng bày ở đấu xảo 1878.

Năm 1878, một số sản phẩm của Đông Dương đã có mặt tại Triển lãm Paris. Nhưng phải đến 1889, lần đầu tiên khu trưng bày Đông Dương có vị trí quan trọng trong cuộc Triển lãm thế giới do Pháp tổ chức cuối thế kỷ 19, thu hút sự quan tâm của khách tìm hiểu về xứ sở Viễn Đông.

Đấu xảo thuộc địa lần đầu tổ chức tại Marseille (Pháp) vào năm 1906, mở cửa ngày 15/4 và kéo dài khoảng sáu tháng tại Trường diễn tập Rouet với diện tích khoảng 24 ha, ở nơi giao cắt của bốn đại lộ rợp bóng cổ thụ. Sự kiện có sự tham gia của tất cả xứ thuộc địa và bảo hộ của Pháp, trưng bày sản phẩm nông nghiệp, kỹ nghệ và nghệ thuật. Trong số 21 hạng mục, thi công chính là Cung Đông Dương, các công trình còn lại là kiến trúc tiêu biểu của ba miền ở Việt Nam thời đó.

Đấu xảo thuộc địa lần thứ hai tại Marseille (Pháp), năm 1922 có tổng diện tích 36 ha. Tại đây, môt con phố An Nam được dựng nên, với các ngôi nhà thật, nơi sinh sống của toàn bộ thợ thủ công, công nhân, thợ khảm, sơn mài, thợ điêu khắc, thợ đồ gỗ, thợ kim hoàn, thợ dệt, thợ thêu, thợ làm quạt. Con phố có một cổng vào, có lính gác, ở phía cuối phố là Chùa một cột, khu chợ, trường học Pháp - Việt, ngôi đình, một ngôi chùa (công trình đình chùa chỉ dựng phần mặt trước) và khoảng 30 ngôi nhà Việt có tầng lầu và cửa hiệu.

Một hình ảnh ở đấu xảo Paris 1931 - thời diểm nhiều sản phẩm văn hóa Việt Nam được giới thiệu tới công chúng Pháp và quốc tế.

Khách tham quan trải nghiệm tương tác đèn chiếu hình, chiều 26/1.

Triển lãm tài liệu lưu trữ "Đấu xảo - Nơi tinh hoa hội tụ" sẽ kéo dài đến ngày 30/6 (giờ hành chính các ngày trong tuần, mở cửa miễn phí) tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Ngọc Thành (Theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia I)