Hơn 80 tác phẩm phong cảnh Việt được trưng bày tại triển lãm Đất nước tôi, trong đó tám tranh giới thiệu theo hình thức cả tĩnh và động. Sau khi thưởng thức tác phẩm gốc ở gian ngoài, người xem có thể di chuyển vào bên trong - nơi trình chiếu các bức tranh đã được áp dụng kỹ thuật cinemagraph (đồ họa chuyển động).
Nhờ công nghệ, phong cảnh đất nước trải dài từ Bắc vào Nam hiện lên sống động. Tác phẩm Thác Bản Giốc của danh họa Nguyễn Văn Tỵ, Nhớ một chiều Tây Bắc của Phan Kế An thu hút nhiều người xem. Sự chuyển động của lá cây, con thác, dòng suối hay những đám mây trong tranh khiến khán giả như đứng trước không gian thiên nhiên ngoài đời.
Họa sĩ Đỗ Đức - 78 tuổi, có bức tranh Phong cảnh ở miền núi, được trưng bày - nhận định việc kết hợp cinemagraph giúp người xem tiếp cận nghệ thuật một cách nhẹ nhàng. Tác giả vẽ năm 1985, dựa vào ký ức về một ngày hè tại Bắc Kạn, khi ông bắt gặp những mái nhà phủ một màu trắng xóa bởi cái nắng mùa hè. Ông sử dụng chất liệu mực nho, vẽ trên nền giấy xuyến chỉ. Năm 1986, bức tranh của họa sĩ được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tầm. Ông ấn tượng khi sau 40 năm, bức tranh được trình chiếu bằng công nghệ hiện đại, với những chuyển động chân thực.
Kiến trúc sư Đinh Việt Phương - Giám đốc Công ty 3D Art - cho biết phối hợp Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thực hiện số hóa cho triển lãm. Họ trải qua vài tháng để nghiên cứu và hoàn thành công nghệ đồ họa chuyển động cho tám tranh.
Dựa trên nguồn gốc của các bức tranh, nhóm 3D đã lựa chọn những chi tiết về thác nước, đoàn thuyền, con người trên biển để tạo chuyển động. Qua triển lãm, Đinh Việt Phương mong muốn truyền đến khán giả, đặc biệt thế hệ trẻ niềm yêu thích với những giá trị mà thế hệ họa sĩ xưa để lại.
Cinemagraph là ảnh chụp tĩnh vật có những chuyện động nhỏ lặp đi lặp lại tạo thành một video. Thuật ngữ này xuất hiện lần đầu vào năm 2011, bởi nhiếp ảnh gia người Mỹ Jamie Beck cùng chồng là nghệ sĩ kỹ thuật số Kevin Burg.
Lần đầu tiên Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sử dụng công nghệ cinemagraphic, ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - khẳng định đây là hướng đi mới trong việc đưa các tác phẩm có giá trị ra quốc tế. "Khi trưng bày những sản phẩm mỹ thuật Việt ở thế giới, công nghệ số sẽ giải quyết nhanh chóng những yêu cầu về bảo hiểm, nguyên tắc bảo vệ hiện vật", ông Minh nói.
Khán giả Nguyễn Hoa (36 tuổi, Hà Nội), hiện theo học Đại học Mỹ thuật Việt Nam, cho biết việc sử dụng công nghệ chuyển động mang đến cảm giác như đang sống trong những cảnh quan thiên nhiên của đất nước. Hoàng Trang (22 tuổi, Hà Nội), thường xuyên đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nhận định đây là triển lãm mới mẻ, giúp người xem có thể cảm nhận nhiều hơn về phong cách vẽ của tác giả.
Triển lãm Đất nước tôi giới thiệu những tác phẩm được sáng tác trong khoảng từ năm 1930-2007 của nhiều họa sĩ thuộc nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam như Lương Xuân Nhị, Trần Đình Thọ, Huỳnh Văn Thuận, Lưu Công Nhân, Đào Đức, Trần Thanh Ngọc, Nguyễn Thanh Châu, Lê Vân Hải, Đỗ Thị Ninh, Đặng Thị Khuê.
Qua góc nhìn của người nghệ sĩ với ngôn ngữ tạo hình phong phú, những địa danh nổi tiếng như vịnh Hạ Long, Đồng Văn, sông Hương, núi Các Mác, thác Bản Giốc, Pác Bó, Côn Sơn cho đến vùng cao nguyên, duyên hải, biển đảo được tái hiện rõ nét.
Tại lễ khai mạc triển lãm sáng 24/8, Tiến sĩ Nguyễn Anh Minh nhận định các tác phẩm mang chất liệu và bút pháp khác nhau nhưng đều thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước. Hình ảnh con người chất phác, yêu lao động đã tô điểm thêm cho những bức tranh thiên nhiên.
Phương Linh